Vừa qua, chị Bùi Thị Tuyết Giao (người vợ trong vụ bạo hành khi đang mang thai 7 tháng ở Hải Dương) đã có kết quả giám định. Theo đó, tỷ lệ thương tật của chị Giao là 29%, có tổng cộng 205 vết thương trên cơ thể.
TS. Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp chia sẻ, dựa trên kết quả giám định thương tích của chị Giao, cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với người chồng theo tội danh Cố ý gây thương tích, quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Sự việc này được luật sư Cường đánh giá là rất nghiêm trọng, để lại những đau đớn kéo dài, dai dẳng cho nạn nhân. Bị can sẽ phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 2 – 6 năm, theo khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Không chỉ vậy, người chồng còn nhiều hành vi vi phạm pháp luật, hành vi tàn nhẫn với vợ con kéo dài nên sẽ bị khởi tố thêm tội Hành hạ vợ, theo Điều 185 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 2 – 5 năm.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng hành vi hành hạ dù biết vợ đang mang thai là đáng lên án. Đặc biệt, hành vi bạo hành ngày càng tăng dần theo cấp độ, thời gian, phụ thuộc vào tâm trạng, nhất là khi đối tượng thiếu tiền chơi game. Việc bạo hành kéo dài, mức độ nghiêm trọng khiến chị Giao bị ám ảnh, lo lắng, sợ hãi.
Trong lời kể của chị Giao, bản thân bị chồng đánh đập bằng nhiều hình thức. Người chồng con tuyên bố: “Sẽ không đánh cho chết luôn mà để chết từ từ”. Luật sư Tuấn đánh giá câu nói này cho thấy ý chí chủ quan muốn tác động đến sức khỏe, tính mạng của chị Giao. Dù vậy, nên tiếp tục làm rõ các yếu tố cấu thành khác nếu muốn xác định hành vi trên có dấu hiệu của tội giết người hay không.
Về mức độ, người chồng đánh vợ nhiều lần nhưng chưa có căn cứ cho thấy cường độ đánh liên tục trong 1 thời điểm, nhằm tước đoạt tính mạng. Ngoài ra, những vị trí bị tác động chủ yếu là tay, chân, lưng. Người chồng có mục đích chính là gây đau đớn, ép vợ vay tiền cho mình.
Để xác định hành vi của người chồng có cấu thành tội giết người hay không, cần xác minh được hành vi của anh ta thực hiện liên tục, có độ sát thương cao, tác động vào vị trí trọng yếu trên cơ thể như ngực, bụng, gáy, đầu.
Ngoài ra, động cơ, mục đích của hành vi phạm tội là tước đoạt tính mạng trái pháp luật người khác, hậu quả chết người (đã xảy ra hoặc có thể xảy ra) có mối quan hệ nhân quả tới hành vi phạm tội; người thực hiện có khả năng nhận thức làm chủ hành vi của mình nhưng vẫn cố ý phạm tội.
Tóm lại, luật sư cho rằng chưa đủ căn cứ để xác định người chồng trong sự việc có dấu hiệu của tội giết người. Tuy nhiên, ý chí chủ quan đánh vợ “chết từ từ” sẽ được xác minh, làm rõ tính chất và mức độ, từ đó xác định chính xác trách nhiệm hình sự của anh ta.
Luật sư Trần Đình Dũng – Đoàn Luật sư TP.HCM thì chia sẻ, tình tiết đánh vợ “chết từ từ” cho thấy ý thức tước đoạt mạng sống của vợ. Trong quá trình lấy lời khai, nếu người chồng thể hiện ý chí như thông tin này thì có yếu tố cấu thành tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Dù có hậu quả xảy ra hay chưa, nếu phạm tội này sẽ nhận án tối đa là 20 năm tù (nếu truy tố theo khoản 1, Điều 123) và 11 năm 3 tháng tù (nếu truy tố theo khoản 2).
Một yếu tố không thể bỏ qua khi xem xét hình phạt cho người chồng này là tính mạng người mẹ và thai nhi 7 tháng tuổi.
Chuyên gia choáng váng thốt lên 1 từ khi thấy vết thương của thai phụ 7 tháng bị tra tấn như nô lệ
205 vết thương chằng chịt trên cơ thể người phụ nữ mang thai 7 tháng. Đây không phải là bạo lực gia đình mà đã là tra tấn. Chứng kiến những hình ảnh đó, ngay cả chuyên gia trong ngành cũng phải bàng hoàng.