Nóng: Thái Lan có hành động gây chú ý ngay sát thềm đàm phán chấm dứt xung đột với Campuchia
Động thái mới nhất từ phía Thái Lan ngay sát thềm đàm phán ngừng bắn với Campuchia nhận được sự quan tâm của giới truyền thông.
Vào chiều ngày 27/7, Chính phủ Thái Lan đã tiến hành bàn giao thi thể 12 binh sĩ Campuchia tử trận trong các cuộc giao tranh gần biên giới. Động thái này được đánh giá mang tính nhân đạo và góp phần giảm căng thẳng giữa hai nước trước thềm cuộc đàm phán hòa bình dự kiến diễn ra tại Malaysia vào ngày 28/7.
Đại tá Richcha Suksuwanon - Phó phát ngôn viên Quân đội Hoàng gia Thái Lan cho biết việc trao trả được thực hiện lúc 16h30 tại trạm kiểm soát biên giới thường trực Chong Sa-Ngam, thuộc huyện Phu Sing, tỉnh Si Sa Ket. Các thi thể binh sĩ Campuchia tử trận trong những ngày giao tranh quanh khu vực Phu Makua đã được phía Thái Lan bàn giao cho Campuchia để đưa về quê nhà, làm lễ truy điệu và an táng theo nghi thức tôn giáo.

Phát biểu về sự kiện này, Đại tá Suksuwanon nhấn mạnh: “Hành động trao trả thể hiện sự tôn trọng các nguyên tắc nhân đạo quốc tế cũng như phẩm giá của những người lính đã hy sinh, bất kể họ chiến đấu cho bên nào. Quân đội Thái Lan luôn đề cao danh dự và nhân tính, đồng thời thấu hiểu sự mất mát và nhiệm vụ thiêng liêng mà các binh sĩ ở cả hai phía đang gánh vác”.
Ông Suksuwanoncũng khẳng định rằng các binh sĩ Thái Lan đã hy sinh trong các cuộc giao tranh sẽ luôn được tưởng nhớ như những người đã bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Bước sang ngày thứ tư, xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia đã trở thành cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất trong hơn một thập niên qua, khiến ít nhất 33 người thiệt mạng và buộc hơn 170.000 người phải sơ tán khỏi các khu vực dọc biên giới.
Trong các cuộc tấn công, hai nước đã sử dụng các phương tiện chiến đấu hạng nặng như máy bay, xe tăng và bộ binh. Dù cả Thái Lan và Campuchia đều tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn, song họ liên tục cáo buộc đối phương gây cản trở và phá vỡ các nỗ lực chấm dứt xung đột.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Malaysia với vai trò Chủ tịch ASEAN đã vào cuộc làm trung gian hòa giải. Vào ngày 27/7, Ngoại trưởng Malaysia Mohamad Hasan thông báo rằng Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai sẽ tới Kuala Lumpur vào tối 28/7 để tham gia cuộc đàm phán cấp cao nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột.

Theo ông Hasan, các cuộc trao đổi với hai Ngoại trưởng Campuchia và Thái Lan đã đạt được sự thống nhất về việc không để bất kỳ quốc gia thứ ba nào can dự vào tiến trình hòa giải.
Trước đó, trong một phiên họp kín tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở New York, Đại sứ Campuchia tại LHQ Chhea Keo nhấn mạnh Campuchia kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua con đường hòa bình.
Về phía Thái Lan, vào ngày 26/7, Ngoại trưởng Maris Sangiampongsa tuyên bố Campuchia cần thể hiện “thiện chí thực sự” nếu muốn tiến tới bất kỳ cuộc đàm phán nào, đồng thời kêu gọi chấm dứt mọi hành động quân sự để mở đường cho đối thoại song phương.
Vào ngày 26/7, trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông tin rằng ông đã có cuộc điện đàm với hai nhà lãnh đạo Thái Lan và Campuchia, qua đó thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Ông Trump cho biết hai bên đã đồng ý gặp nhau và nhanh chóng hướng tới một thỏa thuận hòa bình.
Đến sáng ngày 27/7, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã công khai bày tỏ sự cảm ơn Tổng thống Mỹ, đồng thời xác nhận nước này ủng hộ “đề xuất về lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện” với Thái Lan. Ông cũng tiết lộ rằng Campuchia từng đề xuất thỏa thuận ngừng bắn thông qua Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.
Trong tuyên bố mới nhất từ Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng tái khẳng định mong muốn chứng kiến "thiện chí thực sự" từ Campuchia, đồng thời kêu gọi nối lại các kênh đối thoại để tìm kiếm một giải pháp lâu dài, bền vững cho xung đột biên giới.