Khám phá mới

Thân thế vị tướng là anh cả ngành tuyên huấn quân đội, tên được đặt cho nhiều con đường ở Việt Nam

Thân thế vị tướng là anh cả ngành tuyên huấn quân đội, tên được đặt cho nhiều con đường ở Việt Nam

 

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói về người đồng chí này như sau: “Anh là nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc của quân đội và của Đảng… là một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội”.

Trong ngành tuyên huấn quân đội có rất nhiều cá nhân xuất sắc, nhưng người nổi trội nhất, được xem là anh cả của ngành thì phải kể đến Trung tướng Lê Quang Đạo (1921 – 1999). Sinh thời, suốt 28 năm hoạt động trong quân ngũ, ông luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất, ác liệt nhất.

trung-tuong-le-quang-dao-3

Đồng chí Lê Quang Đạo tên thật là Nguyễn Đức Nguyện, quê ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng.

Năm 19 tuổi, đồng chí Lê Quang Đạo đã được kết nạp Đảng, sau đó trực tiếp làm việc với các nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng như Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh… Năm 1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, đồng chí được Trung ương Đảng và Bác giao cho nhiều trọng trách quan trọng, đặc biệt là về tuyên truyền, phát triển tổ chức quần chúng và đào tạo cán bộ cho phong trào quần chúng.

trung-tuong-le-quang-dao-2

Sinh thời, Trung tướng Lê Quang Đạo từng 3 lần giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Lúc bấy giờ, thực dân Pháp gọi ông là “Đốc lý đỏ”, đủ cho thấy vai trò của nhà chính trị gia này trong việc gầy dựng nên phong trào cách mạng ở Hà Nội.

Năm 1950, đồng chí Lê Quang Đạo khi đó đang là Phó ban Tuyên truyền Trung ương và phụ trách báo Sự thật thì được điều động vào quân đội. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã ký sắc lệnh giao cho ông chức vụ Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị.

trung-tuong-le-quang-dao-1

Nhiệm vụ đầu tiên trên cương vị mới của tướng Lê Quang Đạo là Phó chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy Chiến dịch Biên giới. Ông là một trong những người đồng cam cộng khổ với Bác Hồ trong chiến dịch năm đó. Kể về quãng thời gian này của chồng, vợ ông là nhà văn Nguyệt Tú cho biết: “Bác Hồ dạy anh Đạo bài học đầu tiên làm công tác chính trị trong quân đội. Những lời chỉ bảo trực tiếp của Bác và hoạt động thực tiễn của chiến dịch vô cùng quý giá đối với anh ấy. Bác nói: Công tác của một cán bộ chính trị trong quân đội còn phải quan tâm đến mọi sinh hoạt của bộ đội”.

trung-tuong-le-quang-dao-5

Liên tiếp sau đó, đồng chí Lê Quang Đạo đảm nhận nhiều nhiệm vụ, chức vụ quan trọng như: Phó Chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954); Bí thư Đảng ủy, Chính ủy chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (1968), chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971), đường 9-Quảng Trị (1972).

Bất kể ở đâu, cương vị gì, vị tướng này luôn đi sát mặt trận, bám sát chiến trường, gần gũi chiến sĩ, động viên bộ đội quyết tâm chiến đấu. Qua những đóng góp to lớn đó, đồng chí Lê Quang Đạo xứng đáng với danh xưng “Anh cả của ngành Tuyên huấn quân đội”.

trung-tuong-le-quang-dao-4

Nói về tướng Lê Quang Đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ lãnh đạo có đức độ và tài năng của Đảng ta và quân đội ta... Suốt 28 năm trong quân ngũ, Lê Quang Đạo đã đem hết tài năng và sức lực, tâm hồn và trí tuệ xây dựng và chỉ đạo ngành Tuyên huấn quân đội. Anh là một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ đã từng dạy, Anh coi trọng xây dựng quân đội về chính trị và tư tưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu”.

trung-tuong-le-quang-dao-6

Ngày nay, tên của Trung tướng Lê Quang Đạo được đặt cho nhiều con đường ở Việt Nam như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Bắc Ninh. Ngoài ra, quê nhà Bắc Ninh còn xây dựng nhà lưu niệm tưởng nhớ vị chính khách xuất sắc này.

Theo báo Quân Đội Nhân Dân, báo Quốc Phòng Thủ Đô

Ảnh tư liệu