Khám phá mới

Sự thật về núi Ngũ Hành Sơn giam giữ Tôn Ngộ Không suốt 500 năm, fan cứng Tây Du Ký cũng chưa chắc biết

Ngọn núi Ngũ Hành Sơn giam giữ Tôn Ngộ Không 500 năm không hề có thật. Nơi ekip Tây Du Ký chọn quay phim có tên gọi khác, hiện là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc.

Tây Du Ký là một trong những kiệt tác văn học kinh điển của Trung Quốc, được xuất bản lần đầu vào khoảng thập niên 1590 dưới danh nghĩa tác giả ẩn danh. Nhiều học giả sau này đồng thuận cho rằng tác phẩm này là công trình của Ngô Thừa Ân – một nhà văn, nhà thơ sống vào đầu thời Minh (sinh năm 1500, mất năm chưa rõ).

Câu chuyện thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng vốn đã mang màu sắc huyền thoại, được dân gian lưu truyền và thần thoại hóa qua nhiều thế hệ. Dưới ngòi bút sáng tạo của Ngô Thừa Ân, câu chuyện ấy được "chế tác" thành một tiểu thuyết đồ sộ, thấm đẫm tư tưởng triết lý, với hệ thống nhân vật sống động, văn phong mạch lạc, nhất quán.

Tác phẩm bất hủ này từng được chuyển thể thành nhiều phiên bản phim ảnh, trong đó nổi bật nhất là phim truyền hình Tây Du Ký 1986, do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hợp tác cùng Cục Đường sắt Trung Quốc sản xuất. Bộ phim trở thành hiện tượng văn hóa châu Á, nắm giữ kỷ lục là phim truyền hình được phát lại nhiều nhất trên sóng truyền hình Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

tay-du-ky-nui-ngu-hanh-son-5

tay-du-ky-nui-ngu-hanh-son-1

Một trong những cảnh quay đáng nhớ nhất trong phim là phân đoạn Tôn Ngộ Không bị Phật Tổ trấn áp dưới chân núi Ngũ Hành. Trên thực tế, địa danh vốn chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết, không tồn tại trong thực tế địa lý Trung Quốc. Cảnh quay được ekip làm phim ghi hình tại Thạch Lâm – khu rừng đá nổi tiếng ở tỉnh Vân Nam.

Thạch Lâm tọa lạc tại huyện tự trị dân tộc Di Thạch Lâm, cách thành phố Côn Minh khoảng 78 km. Đây là khu vực sở hữu vẻ đẹp ngoạn mục do thiên nhiên kiến tạo. Cách đây khoảng 270 triệu năm, vùng này từng là đáy biển nông. Theo thời gian, sự vận động địa chất khiến mực nước rút xuống, để lộ những khối đá vôi khổng lồ. Qua quá trình phong hóa, gió mưa và xói mòn, nơi đây hình thành nên hàng vạn cột đá có hình thù độc đáo, tạo thành một "rừng đá" kỳ vĩ.

tay-du-ky-nui-ngu-hanh-son-2

Thạch Lâm sở hữu hàng ngàn trụ đá màu xám, cao thấp đa dạng, với độ cao dao động từ 10 m đến gần 200 m. Dưới triều Minh, nơi đây đã được ví là “kỳ quan số một của thế giới” với diện tích trải dài khoảng 400 km2. Năm 2004, UNESCO chính thức công nhận Thạch Lâm là Vườn Địa chất Thế giới.

tay-du-ky-nui-ngu-hanh-son-3

Sau khi bộ phim Tây Du Ký lên sóng, vẻ đẹp của Thạch Lâm được quảng bá rộng rãi, trở thành điểm đến hút khách quốc tế. Tại khu rừng đá này, ngày nay có nhiều tượng và mô hình tái hiện hình ảnh thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh. Đặc biệt, một hốc đá tự nhiên, vừa đủ cho một người chui vào là nơi tái hiện cảnh Ngộ Không bị nhốt 500 năm đã trở thành địa điểm check in nổi tiếng, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm.