Choáng vì số tướng Mỹ tử trận trong chiến tranh ở Việt Nam, hơn một nửa cùng chung một kịch bản
Số tướng Mỹ tử trận khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam thực sự gây chú ý. Bởi nếu xét trong lịch sử quân đội Mỹ, con số này quả thực không hề nhỏ.
Trong lịch sử chiến tranh của quân đội Hoa Kỳ, con số tướng lĩnh thiệt mạng trên chiến trường thường không nhiều. Trong Thế chiến II, tổng cộng chưa đến 20 tướng và một số đô đốc Hải quân tử trận. Trong cuộc chiến Triều Tiên, quân đội Mỹ mất hai vị tướng: Trung tướng Walton Walker tử vong trong một vụ tai nạn giao thông, còn Thiếu tướng Bryant Moore qua đời sau cơn đột quỵ sau một sự cố hàng không. Chuẩn tướng Lawrence Rook cũng tử nạn trong giai đoạn này, tuy nhiên ông vẫn đang mang cấp bậc đại tá khi mất, do đó không được tính vào danh sách chính thức. Các cuộc chiến sau này, kể cả Afghanistan hay Iraq, không có tướng Mỹ nào tử trận.
Thế nhưng trong chiến tranh Việt Nam, số lượng tướng lĩnh Mỹ thiệt mạng lại vượt trội, một phần đáng kể trong đó là do tai nạn đường không. Cụ thể, có bảy trường hợp tướng tử vong trong các tai nạn máy bay, hai người chết do bị hỏa lực đối phương bắn trúng và hai người khác qua đời vì nguyên nhân tự nhiên. Có sáu tướng tử vong khi đang trực tiếp tham chiến, còn lại là các trường hợp xảy ra bên ngoài vùng chiến sự. Đặc biệt, năm 1970 là năm chứng kiến số lượng tướng Mỹ thiệt mạng nhiều nhất. Đây cũng là thời điểm cao trào của sự hiện diện quân sự Mỹ tại Việt Nam.
Danh sách dưới đây điểm lại những tướng lĩnh đã chết trong chiến tranh ở Việt Nam:
Chuẩn tướng Alfred Moody, Phó chỉ huy trưởng Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 (cơ động đường không) của quân đội Mỹ. Ông tử vong ngày 19/3/1967 do một cơn trụy tim.

Thiếu tướng William Cramm, Chỉ huy Sư đoàn Không quân số 3 thuộc Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược, thuộc lực lượng Không quân Mỹ. Ông chính là người chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ các chiến dịch không kích, bao gồm các đợt ném bom chiến lược B-52 ở Đông Nam Á. Ngày 7/7/1967, trong một nhiệm vụ bay xuất phát từ căn cứ Anderson (Guam), chiếc B-52 của W. Cramm va chạm với một B-52 khác trên không phận biển Đông, gần cửa sông Cửu Long. Sáu người thiệt mạng, trong đó có tướng Cramm. Sau vụ tai nạn, thi thể của vị tướng này không được tìm thấy.

Thiếu tướng Bruno Hochmuth, Chỉ huy trưởng Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 3. Ông thiệt mạng ngày 14/11/1967 trong một vụ nổ trên không, khi chiếc trực thăng UH-1 chở ông bay từ Huế đến Hội An. Ngoài Hohmut còn có 5 người khác thiệt mạng, trong đó có 1 sĩ quan quân đội Sài Gòn.

Quân đội Mỹ sau đó kết luận nguyên nhân là do cánh đuôi bị hỏng nhưng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tuyên bố may bay trực thăng bị bắn hạ. Đây là vị tướng Mỹ duy nhất chỉ huy sư đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ chết trong chiến tranh.
Thiếu tướng Robert Worley, Phó chỉ huy trưởng Tập đoàn Không quân số 7, thuộc lực lượng Không quân Hoa Kỳ. Vị tướng thiệt mạng ngày 23/7/1968 khi máy bay RF-4C của ông bị hỏa lực phòng không bắn trúng tại khu vực phi quân sự (DMZ). Dù phi công nhảy dù thoát, Worley vẫn cố giữ điều khiển và tử nạn khi máy bay nổ trên không, rơi xuống tỉnh Thừa Thiên. Sau sự ra đi của Worley, bộ tổng tham mưu liên quan đã ra lệnh cấm tất cả các sĩ quan cao cấp của Không quân tham gia các chuyến bay chiến đấu.

Thiếu tướng Keith Ware, Chỉ huy trưởng Sư đoàn Bộ binh số 1, mất vào trưa ngày 13/9/1968, khi chiếc trực thăng UH-1 chở ông bị bắn rơi gần Lộc Ninh. Keith Ware từng được trao Huân chương Danh dự (giải thưởng cao nhất của quân đội Mỹ) trong Thế chiến II nhờ hành động anh dũng tại Pháp năm 1944. Khi đó, ông bị thương nhưng vẫn dẫn dắt đơn vị tấn công áp đảo đối phương.

Chuẩn tướng Charles Girard, tư lệnh trưởng bộ tư lệnh chỉ huy viện trợ quân sự cho chính quyền miền Nam Việt Nam. Vị tướng này đột ngột qua đời ngày 17/1/1970 tại Sài Gòn.

Chuẩn tướng William Bond, Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 199 Bộ binh hạng nhẹ, quân đội Mỹ. Ông mất ngày 1/4/1970 tại tỉnh Bình Tuy. Khi tới hiện trường một trận đánh để kiểm tra tình hình, ông bị trúng đạn bắn tỉa của lực lượng Quân Giải phóng ngay khi bước ra khỏi trực thăng.

Thiếu tướng John Dillard (Jr con), Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Công binh thuộc quân đội Mỹ tại Việt Nam, tử trận ngày 12/5/1970. Chiếc trực thăng UH-1 của ông bị hạ bởi hỏa lực phòng không cách Pleiku 14 km. Đại tá Carroll Adams đi cùng ông sau đó được truy phong Chuẩn tướng sau khi tử vong.

Thiếu tướng George Casey, Chỉ huy trưởng Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 thuộc quân đội Mỹ. Vị tướng này thiệt mạng ngày 7/7, khi máy bay chở ông đâm vào sườn núi tại tỉnh Tuyên Đức trong điều kiện thời tiết xấu. Bảy người trong tổ bay đều tử nạn. Con trai ông, George W. Casey Jr., sau này cũng trở thành một vị tướng nổi bật, từng là Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Iraq và giữ chức Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ.

Chuẩn Đô đốc Rembrandt Robinson, Chỉ huy trưởng Hải đoàn 11 các tàu tuần dương và tàu khu trục Hải quân Mỹ. Ông tử nạn ngày 8/5/1972 trong một vụ rơi máy bay trực thăng SH-3 khi đang trở lại tàu chỉ huy "Providence" sau cuộc họp trên tàu USS "Coral Sea". Vụ tai nạn xảy ra trên Vịnh Bắc Bộ. Ngoài Robinson còn có 2 sĩ quan hải quân khác cũng không sống sót.

Chuẩn tướng Richard Tallman, Phó Tư lệnh trưởng vùng 3 chiến thuật về yểm trợ hỏa lực. Ông tử vong ngày 9/7/1972 tại bệnh viện Sài Gòn sau khi bị thương nặng trong một đợt pháo kích tại An Lộc.

Một trường hợp đặc biệt là đại tá Edward Burdett, phi công máy bay F-105 bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam vào ngày 18/11/1967. Trong thời gian được liệt kê là mất tích, ông được truy phong thiếu tướng, nhưng sau khi xác nhận đã tử vong khi bị bắt, ông không được tính chính thức vào danh sách tướng lĩnh tử nạn trong chiến tranh. Thi thể của Burdett được trao trả năm 1974.