Thế giới

Mỹ ‘siết cò’ viện trợ vũ khí kỷ lục cho Ukraine: Nga bị cảnh báo, ông Trump bất ngờ đảo chiều?

Giữa bối cảnh xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Mỹ chuẩn bị cấp tốc viện trợ vũ khí quy mô lớn chưa từng có cho Kiev, cho thấy chiến lược can dự đang có sự thay đổi rõ rệt.

Phát biểu ngày 13/7, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (đảng Cộng hòa, bang Nam Carolina) cho biết Mỹ sẽ sớm triển khai lượng vũ khí hỗ trợ lớn chưa từng có cho Ukraine trong vài ngày tới nhằm tăng cường khả năng tự vệ trước Nga. Ông nhấn mạnh, trong thời gian ngắn tới, các nỗ lực ngoại giao quy mô cũng sẽ được đẩy mạnh với mục tiêu thúc đẩy Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi vào bàn đàm phán.

Ông Graham cũng nhận định tình hình chiến sự đang bước vào giai đoạn bước ngoặt, đặc biệt khi Tổng thống Donald Trump, người từng hoài nghi viện trợ cho Kiev đang có dấu hiệu "đảo chiều" lập trường.

Tổng thống Trump cho phép gửi khẩn cấp vũ khí tới Ukraine. 

Cùng quan điểm, Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (đảng Dân chủ - bang Connecticut) tiết lộ, Lầu Năm Góc và một số lãnh đạo châu Âu đang xem xét kế hoạch sử dụng 300 tỷ USD tài sản Nga bị phong tỏa kể từ đầu cuộc chiến để làm nguồn viện trợ dài hạn cho Ukraine. "Đã đến lúc phải hành động", ông Blumenthal nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn khoản hỗ trợ an ninh trị giá 500 triệu USD cho Ukraine trong khuôn khổ Dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2026, tăng đáng kể so với 300 triệu USD của năm 2025. NDAA cũng kéo dài Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine đến năm 2028.

Nguồn tin thân cận từ Washington ngày 10/7 xác nhận, đội ngũ của ông Trump đang gấp rút rà soát kho dự trữ quân sự để lựa chọn các loại vũ khí phù hợp gửi sang Ukraine. Ước tính, gói viện trợ có thể đạt tới 300 triệu USD, trong đó có tên lửa phòng không Patriot và hệ thống tấn công tầm trung.

Lính Ukraine khai hỏa vũ khí (Ảnh: Getty).

 

Điểm đáng chú ý nhất là việc ông Trump lần đầu tiên cho phép sử dụng Quyền Rút kho Tổng thống (PDA), cơ chế cho phép chuyển giao khẩn cấp vũ khí từ kho quân sự mà không cần Quốc hội phê duyệt. Trước đây, ông từng chỉ trích gay gắt việc Tổng thống Joe Biden lạm dụng cơ chế này.

Giới phân tích cho rằng, việc ông Trump bất ngờ ủng hộ viện trợ vũ khí cho Ukraine có thể là chiến lược chính trị mới, đồng thời gửi thông điệp cứng rắn tới Nga. Tuy vậy, không ít người vẫn nghi ngờ về sự nhất quán trong lập trường của ông, nhất là khi trước đó, ông từng nhiều lần phản đối mạnh mẽ việc Mỹ chi tiêu hàng tỷ USD cho cuộc chiến ở Ukraine và có xu hướng mềm mỏng với Nga.

Đầu tháng 7, phía ông Trump từng tạm hoãn một số lô vũ khí đã được chính quyền Biden phê duyệt, càng khiến dư luận thêm hoang mang.

Hiện tại, theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ, vẫn còn khoảng 3,86 tỷ USD viện trợ PDA dành cho Ukraine chưa được giải ngân. Gói gần nhất, trị giá 500 triệu USD được ông Biden phê duyệt ngày 9/1, ngay trước khi mãn nhiệm.

Trong bối cảnh Nga tăng cường tấn công, Ukraine đặc biệt cần các hệ thống phòng thủ tiên tiến như Patriot và pháo phản lực GMLRS, những loại vũ khí có thể nằm trong gói viện trợ sắp tới.