Điện thoại

Bkav: Sản xuất smartphone không giống như xếp hình Lego

Bkav: Sản xuất smartphone không giống như xếp hình Lego

Trần Việt Hải, 31 tuổi, Giám đốc bộ phận Mobile của Bkav, cho biết quãng thời gian đẹp nhất trong sự nghiệp của anh là tầm 2-3 tháng trước khi Bphone 2017 trình làng. Khi đó, anh và các cộng sự đang quay cuồng xử lý những vấn đề còn tồn tại cũng như háo hức chuẩn bị cho lễ công bố mẫu điện thoại mà anh coi như một đứa con của mình.

Trần Việt Hải, phụ trách thiết kế điện tử của Bphone.

Những chuyến công tác 'gần nhà'

Tại Bkav có một khu vực gọi là phòng Task-force nơi đội ngũ phát triển Bphone với gần 50 người, trong đó có CEO Nguyễn Tử Quảng, làm việc liên tục ngày đêm suốt hai tháng trước lễ ra mắt ngày 8/8.

Khoảng thời gian đó, gia đình coi như Hải đi công tác dù nhà ở rất gần. Anh vẫn cố gắng về nhà, nhưng là lúc 4h sáng, đưa hai con đi học rồi 8h đã trở lại công ty. Trong khi đó, rất nhiều cộng sự khác của anh không về, làm việc không thời gian để có thể lập tức giải quyết công việc.

"Tôi coi vợ mình là anh hùng", Hải nói, bởi chị luôn hỗ trợ và thông cảm cho chồng trong những tháng ngày vắng nhà.

Có những lúc cả đội cảm thấy bế tắc và sốt ruột vì cả một tuần vẫn không tìm ra giải pháp dù thời điểm ra mắt chỉ còn tính bằng ngày, như khi camera vẫn còn một số thông số chưa thực sự như ý. Tuy nhiên, tất cả đều có niềm tin chắc chắn sẽ làm được và làm kịp. Với cường độ công việc như thế, có người đã sụt tới 9 kg. Còn Hải, anh lại tăng cân do chế độ ăn thường xuyên là pizza, fast food...

Hải đã làm việc ở Bkav 10 năm, nhưng chủ yếu thiết kế điện tử cho hệ thống nhà thông minh. Không tham gia phát triển smartphone từ đầu, lúc đó anh cũng như nhiều người khác khi nhìn vào dự án đều cho rằng Bphone đơn giản là khát vọng của Nguyễn Tử Quảng muốn chứng minh Việt Nam hoàn toàn có thể làm được smartphone "made in Vietnam" cao cấp. Khi đó, anh không thực sự tin sản phẩm có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là với các hãng hàng đầu thế giới như Apple hay Samsung.

Đến 2016, khi bắt đầu thiết kế điện tử cho Bphone 2017, quan điểm của Hải đã thay đổi. "Trực tiếp tham gia thiết kế sản phẩm, tôi mới hiểu tâm huyết của anh Quảng thấm trong từng ngóc ngách của sản phẩm. Tôi dần hiểu rằng nếu mình chăm chỉ, quyết tâm, coi khó khăn là chuyện bình thường và có đủ niềm tin thì rồi sẽ làm ra được sản phẩm tốt, như một khẩu hiệu ở Bkav là: Không quyết liệt kết quả sẽ làng nhàng".

Hành trình tám năm

Dự án Bphone 2017 mới được khởi động năm 2016, nhưng là sự kết tinh từ tám năm nỗ lực nghiên cứu của Bkav với vô số lần thất bại, đến mức ông Nguyễn Tử Quảng từng bị stress nặng và có một thời gian dài hoàn toàn không tiếp xúc với báo chí.

Năm 2007, khi Apple cho ra mắt iPhone đầu tiên, ông Quảng từng cho người đi lùng mua khắp Hà Nội mới được hơn 10 máy để phát cho các giám đốc trong công ty, còn ông không dùng vì đang quen với thiết bị HP hỗ trợ bút. Thời điểm đó, Bkav đang phát triển hệ thống nhà thông minh. Do các xưởng cơ khí trong nước không đáp ứng được yêu cầu về khung vỏ sản phẩm, Bkav đã quyết định mua máy CNC về nghiên cứu dù họ chỉ là công ty chuyên về phần mềm. 

Dần có kinh nghiệm về điện tử, cơ khí, kiểu dáng cộng với niềm đam mê công nghệ liên quan đến điện thoại, ông Quảng nung nấu ý định tự làm ra một chiếc smartphone tại Việt Nam và thành lập dự án ngay từ cuối năm 2008.

Để trả lời câu hỏi liệu có thể thiết kế một chiếc điện thoại vừa đẹp vừa khác biệt hay không, Bkav đã đi mua những smartphone tốt nhất của năm 2009 để phân tích và nhận thấy iPhone vẫn là sản phẩm chuẩn mực. Nhiều ngày suy nghĩ và phân tích sau đó, ông Quảng rút ra triết lý, một sản phẩm đẹp phải tối giản, trau chuốt và phẳng. Vì vậy, Bkav chọn những tiêu chí này cho sản phẩm đang thai nghén của mình.

Không có chip thì không thể làm điện thoại. Tháng 9/2010, Bkav gặp gỡ đại diện Qualcomm đề nghị họ cung cấp bộ vi xử lý cho Bphone nhưng không được chấp thuận. Công ty cũng soạn email gửi cho nhiều hãng như Intel, MediaTek... nhưng không có hồi âm.

"Rất may mắn, sau đó Freescale đã đồng ý cho dùng thử chip của họ. Tuy nhiên, đó không phải chip chuyên dụng cho điện thoại di động. Chúng tôi phải lấy chip vốn được thiết kế cho thiết bị công nghiệp để sử dụng cho điện thoại. Chúng tôi quyết định làm máy tính bảng trước vì mạch cho tablet lớn hơn, dễ hơn", ông Quảng kể lại. 

CEO của Bkav đã trải qua ba cái Tết mất ăn mất ngủ. Cứ đầu năm, công ty bắt tay vào việc thiết kế mạch điện tử và đến gần cuối năm mới vẽ xong để đem đi in ngay trước Tết. Trong ba năm đầu, mạch không chạy và các kỹ sư cảm giác như đâm đầu vào đá tảng. Phải tới năm thứ tư, mọi việc mới suôn sẻ. Bkav một lần nữa đi gặp Qualcomm. Khi thấy sản phẩm thực tế, hãng vi xử lý của Mỹ mới đồng ý hợp tác.

Trần Việt Hải cho biết, thiết kế điện tử cho smartphone có độ khó rất cao. Mỗi mạch chứa khoảng 12 lớp xếp chồng lên nhau với độ dày 0,8 mm, tức độ mỏng của một lớp mạch chỉ khoảng 60 micromet, ngang với một sợi tóc. Trên bảng mạch 4 x 6 cm là khoảng 800 linh kiện, mỗi linh kiện có rất nhiều chân. Tổng thể, có hơn 4.000 chân với 28.000 lỗ khoan trên một bảng mạch. 

Sau khi thiết kế, bảng mạch của Bphone 2017 hiện được sản xuất tại nhà máy Meiko Electronics ở khu công nghiệp Thạch Thất (Hà Nội). Meiko là công ty Nhật chuyên sản xuất bảng mạch PCB và có nhiều khách hàng là các hãng điện tử lớn như Apple, Samsung, Panasonic, Fuji Xerox... Hiện Meiko có bốn nhà máy tại Nhật Bản, hai nhà máy tại Trung Quốc và một nhà máy tại Việt Nam (từ năm 2006).

Ngoài thiết kế điện tử, mỗi chiếc điện thoại phải trải qua các công đoạn lớn khác là Thiết kế kiểu dáng - Thiết kế cơ khí - Thiết kế phần mềm - Sản xuất trong nhà máy. 

Ở giai đoạn đầu tiên, chuyên gia thiết kế kiểu dáng cho Bphone phải phân tích từng đường cong, đường lắp ghép, khung nhôm, mặt kính để tạo ra sản phẩm thực sự phẳng, đồng nhất. Sau đó, nhóm phay nhiều mô hình để thử cảm giác cầm nắm. Năm 2009, một mục tiêu của Bkav là tạo ra sự khác biệt và chiếc Bphone 2015 đã thể hiện được sự khác biệt đó. Tuy nhiên, đến Bphone 2017, Bkav nhận thấy họ chưa phải người dẫn dắt thị trường nên bỏ đi tiêu chí khác biệt, nhưng vẫn theo đuổi triết lý tối giản, trau chuốt và phẳng. 

"Nhìn thoáng qua, có thể thấy Bphone giống sản phẩm này hay sản phẩm khác, nhưng cầm trên tay bạn sẽ thấy được sự trau chuốt, như phần loa và cổng Type-C được bo vào trong để tránh cấn tay và xước khi dùng lâu. Vì vậy, sản phẩm mang lại cảm xúc cho người dùng nhờ sự tỉ mỉ cộng với triết lý ở đằng sau", ông Quảng khẳng định.

Tiếp đó, các kỹ sư sẽ bóc tách bản vẽ để đánh giá thiết kế cơ khí có thể đáp ứng được kiểu dáng như thế hay không.

"Độ dày của điện thoại là 7,5 mm nhưng phần cơ khí bên trong chỉ tầm 6 mm. Có tới 900 linh kiện (trong đó mạch in là 800) cần ghép nối vào nhau trong một không gian rất bé", ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav, chia sẻ. "Đội cơ khí chịu áp lực rất lớn trong việc làm sao để tối ưu, trong đó pin và loa phải đủ lớn để đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, điện thoại có thiết kế chống nước nên các nút phải có màng ngăn nước từ ngoài vào. Hay một miếng tape dán 0,025 cũng phải tính đến vì mỗi thứ dung sai một chút sẽ khiến máy dày hơn, làm cho kính bị nhô lên".

Bkav thiết kế chi tiết, hoàn thiện khuôn mẫu cho Bphone 2017 ngay tại nhà máy cơ khí của họ ở Mỹ Đình (Hà Nội), sau đó chuyển sang đối tác Deahan ở Bắc Giang để sản xuất hàng loạt. Quá trình chế tác phần khung diễn ra trong hơn hai giờ với 24 công đoạn sản xuất, trong đó có 14 công đoạn phay cắt cơ khí CNC (điều khiển bằng máy tính) với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Ở Bphone 2015, do chưa có kinh nghiệm, Bkav không lường trước được những vấn đề phát sinh, tưởng rằng có thiết kế và các thành phần, chỉ cần lắp ráp vào là xong. Đến khi sản xuất, công ty mới nhận thấy có những phần bị kênh, phải sửa khuôn mẫu và mãi đến hai tháng sau lễ ra mắt với bốn lần trì hoãn mới có thể đưa sản phẩm đến tay người dùng. 

Nuối tiếc vì bỏ lỡ cơ hội đầu tiên, Bkav hiểu rằng sản xuất điện thoại không đơn giản là xếp hình kiểu Lego như nhiều công ty smartphone "mỳ ăn liền" của Trung Quốc đang thực hiện. Nó là cả một quá trình thử - sai và vươn lên sau thất bại. 

Tuy nhiên, sau khi ra mắt, Bkav còn phải đối mặt với thách thức lớn hơn: tạo niềm tin ở người sử dụng. Gắn với biệt danh Quảng "nổ" và đã quen với các chỉ trích và ý kiến trái chiều, CEO của Bkav vẫn rất sốc trước những bình luận "ném đá" trên mạng xã hội, nhất là những status mang tính quy chụp rằng Bkav không thể tự sản xuất điện thoại mà đơn giản là nhập linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam lắp ráp. 

Vì hướng tới sản phẩm chất lượng cao, ngay từ đầu, Bkav đã tìm kiếm đối tác là những đối tác làm việc cho Apple và Samsung. Có được thỏa thuận với đối tác uy tín đầu tiên, họ sẽ dùng hợp đồng đó để làm cơ sở đi đàm phán với những bên tiếp theo. Nhờ đó, Bkav xây dựng được mạng lưới hàng trăm đối tác đến từ Mỹ, Nhật, Đức... và chỉ 0,9% là từ Hong Kong và Trung Quốc và đều là cho những chi tiết không quan trọng.

Thậm chí, Bphone 2015 từng sử dụng màn hình của Sharp, nhưng vì giữa năm 2016, thương hiệu này được bán cho Foxconn (Trung Quốc) nên Bkav đã quyết định chuyển sang dùng màn hình của Hàn Quốc.

Thậm chí, Bphone 2015 từng sử dụng màn hình của Sharp, nhưng vì giữa năm 2016, thương hiệu này được bán cho Foxconn (Trung Quốc) nên Bkav đã quyết định chuyển sang dùng màn hình của Hàn Quốc.

Ông Tea Young Cho, Giám đốc nhà máy Deahan, đối tác phay khung nhôm cho Bphone 2017, cho biết việc hợp tác sản xuất Bphone bắt đầu từ tháng 8/2017 nhưng hai bên đã liên hệ trao đổi kỹ thuật từ năm 2016. "Ban đầu, Deahan cũng không kỳ vọng nhiều vì các kinh nghiệm, kỹ thuật liên quan đến sản xuất điện thoại ở Việt Nam không cao so với các nước khác. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, chúng tôi ngạc nhiên trước sự nhiệt tình trong công việc, cũng như kỹ thuật phần cứng và phần mềm của Bkav đều đạt mức độ cao. Deahan cũng học hỏi được rất nhiều điều từ Bkav", ông Cho chia sẻ. 

"Thực lòng, có những lúc tôi cũng cảm thấy mất niềm tin, chán nản và bế tắc khi đọc những bình luận trái chiều. Tuy nhiên, bình tâm lại và suy nghĩ thấu đáo, tôi hiểu rằng có những phản ánh của người dùng là có cơ sở và mình cần phải sửa. Còn với những cái phản ứng theo trào lưu đám đông, mình cũng cần lắng nghe và dần thay đổi quan điểm của họ", Hải cho hay. 

Niềm vui của Hải sau khi Bphone 2017 ra mắt lại đến từ hai đứa con. Bọn trẻ nhà anh thường bắt chước câu nói của Nguyễn Tử Quảng khi cùng gia đình nhiều lần xem lại clip ra mắt: "Chúng tôi có một niềm tin dài hạn về một ngành công nghệ sản xuất smartphone do Việt Nam làm chủ".

Với Hải, niềm tự hào của bọn trẻ khi bố góp phần tham gia sản xuất chiếc điện thoại "made in Vietnam" thực sự là một món quà.

Theo: Vnexpress.net