Nga tuyên bố chỉ chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột hơn 3 năm nếu Ukraine thực hiện 1 điều kiện
Mới đây, Nga đã đưa ra điều kiện tiên quyết để chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 3 năm ở Ukraine.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Izvestia ngày 30/6, Đại sứ lưu động Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik nhấn mạnh rằng Moscow sẽ tiếp tục yêu cầu phương Tây chấm dứt hoàn toàn hoạt động huấn luyện cho quân đội Ukraine. Ông cho rằng đây là yếu tố then chốt để đạt được một thỏa thuận có ý nghĩa trong tương lai.

“Chúng tôi đã đề xuất một kế hoạch toàn diện nhằm giải quyết cuộc xung đột, trong đó yêu cầu dừng sự can thiệp từ bên ngoài là điều không thể thương lượng, bao gồm cả việc chuyển giao vũ khí và tổ chức các khóa huấn luyện cho lực lượng Ukraine”, ông Miroshnik tuyên bố.
Kể từ năm 2022, các chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraine do Anh và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức đã đào tạo gần 130.000 người. Hai chương trình chính đang được triển khai gồm Chiến dịch Interflex do Anh dẫn đầu và Phái bộ Hỗ trợ Quân sự của EU (EUMAM). Song song với đó, Mỹ cũng đang đào tạo lực lượng Ukraine tại các căn cứ quân sự ở Đức theo tiêu chuẩn NATO.
Tuy nhiên, Moscow khẳng định những hoạt động này không góp phần giải quyết khủng hoảng mà chỉ làm leo thang căng thẳng. Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev nhận định: “Bất kỳ sự hỗ trợ nào giúp Ukraine kéo dài hoạt động quân sự chống lại Nga đều đi ngược với mục tiêu hòa bình”.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Grigory Karasin cũng chỉ trích các động thái từ NATO, cho rằng khối này “không thực sự nghiêm túc trong việc tìm kiếm thỏa hiệp”, đặc biệt trong các vấn đề nhân đạo như trao đổi tù binh hay hồi hương thi thể binh sĩ.
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần tái khẳng định mục tiêu “phi quân sự hóa” Ukraine, xóa bỏ các mối đe dọa an ninh tiềm tàng từ lãnh thổ nước này.
Tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cũng tuyên bố rằng Moscow sẽ yêu cầu Ukraine phá hủy toàn bộ vũ khí do phương Tây cung cấp như một phần không thể thiếu trong bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào.

Dù giới quan sát nhận định khả năng phương Tây ngừng các chương trình hỗ trợ quân sự trong tương lai gần là rất thấp, Nga vẫn kiên quyết duy trì lập trường, trong bối cảnh nước này đang chiếm ưu thế trên chiến trường và tiếp tục gia tăng áp lực lên Ukraine cùng các đồng minh.