Đời sống

Dự báo thời tiết ngày 21/7-23/7 và cập nhật diễn biến bão số 3 - bão Wiphi mới nhất

Dưới đây là thông tin chi tiết về thời tiết ngày 21/7-23/7 và cập nhật diễn biến bão số 3 - bão Wiphi mới nhất.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 20 đến sáng 21/7, bão số 3 (tên quốc tế là Wipha) đã suy yếu từ cấp 12, giật cấp 15 xuống còn cấp 9, giật cấp 12 sau khi đi qua đất liền phía Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, khi tiến vào khu vực Vịnh Bắc Bộ, bão có thể mạnh trở lại nhờ điều kiện nhiệt độ nước biển cao và nguồn năng lượng dồi dào.

Du-bao-thoi-tiet-ngay-21-7-23-7-va-cap-nhat-dien-bien-bao-so-3-bao-wiphi-moi-nhat
Dự báo bão số 3 Wipha sẽ gây mưa nhiều hơn từ chiều tối nay 21/7

Diễn biến bão số 3 trong 72 giờ tới

22h ngày 21/7: Tâm bão nằm ở khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, thuộc khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất cấp 10–11, giật cấp 14.

10h ngày 22/7: Tâm bão dịch chuyển về vùng biển Hải Phòng – Thanh Hóa (khoảng 20,3°N; 106,8°E), duy trì cường độ cấp 10–11, giật cấp 14.

10h ngày 23/7: Tâm bão nằm trên đất liền Thượng Lào (khoảng 19,7°N; 104,3°E), suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Du-bao-thoi-tiet-ngay-21-7-23-7-va-cap-nhat-dien-bien-bao-so-3-bao-wiphi-moi-nhat-2

Cảnh báo gió mạnh, biển động dữ dội

Vùng biển phía Tây Bắc Biển Đông: Gió mạnh cấp 7–8, giật cấp 10; sóng biển cao 3–5m; biển động mạnh.

Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các khu vực Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Hòn Dấu): Gió mạnh dần lên cấp 8–9, vùng gần tâm bão đạt cấp 10–11, giật cấp 14; sóng biển cao 4–6m; biển động dữ dội.

Nam Vịnh Bắc Bộ (Hòn Ngư): Gió mạnh cấp 6–7, vùng gần tâm bão cấp 8–9, giật cấp 11; sóng cao 2–4m; biển động rất mạnh.

Nước biển dâng và nguy cơ ngập úng ven biển

Mực nước dâng do bão tại ven biển từ Quảng Ninh đến Hưng Yên dự báo ở mức 0,5–1,0m. Một số khu vực cụ thể có thể đạt mức:

Ba Lạt: 2,4–2,6m

Hòn Dấu: 3,9–4,3m

Cửa Ông: 4,6–5,0m

Trà Cổ: 3,6–4,0m

Cảnh báo nguy cơ ngập úng tại các khu vực ven biển, cửa sông vào chiều 22/7.

Tác động nghiêm trọng trên đất liền

Từ đêm 21/7, khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, với gió mạnh cấp 7–9, vùng gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14.

Các địa phương như Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình và Thanh Hóa có thể xuất hiện gió mạnh cấp 6, giật cấp 7–8.

Gió giật mạnh cấp 10–11 có thể gây đổ cây xanh, cột điện, tốc mái nhà cửa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và hệ thống hạ tầng.

Du-bao-thoi-tiet-ngay-21-7-23-7-va-cap-nhat-dien-bien-bao-so-3-bao-wiphi-moi-nhat-3

Cảnh báo mưa lớn trên diện rộng

Từ ngày 21 đến 23/7, các tỉnh Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng xảy ra mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 200–350mm, có nơi vượt ngưỡng 600mm.

Các khu vực còn lại ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh có lượng mưa từ 100–200mm, nơi cao nhất có thể trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa cực lớn (trên 150mm trong 3 giờ), lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp.

Du-bao-thoi-tiet-ngay-21-7-23-7-va-cap-nhat-dien-bien-bao-so-3-bao-wiphi-moi-nhat-4

Cấp độ rủi ro thiên tai

Theo phân loại của cơ quan chức năng, bão số 3 hiện ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, đặc biệt tại các khu vực Vịnh Bắc Bộ, ven biển và đất liền từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các địa phương đang liên tục chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó khẩn cấp, yêu cầu người dân theo dõi sát diễn biến của bão, thực hiện nghiêm các hướng dẫn sơ tán, gia cố nhà cửa, đảm bảo an toàn người và tài sản, đặc biệt là các khu vực nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền và công trình ven biển.

Vào trưa ngày 21/7, bà Nguyễn Thanh Bình - Dự báo viên chính Phòng Dự báo số trị viễn thám, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lượng mưa cực đoan có thể gây ngập úng ở vùng trũng và đặc biệt là có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đôi khi tình trạng sạt lở đất không phải vào những lúc mưa dữ dội nhất mà thậm chí sau khi cơn bão đi qua, mưa không còn dữ dội nhưng nguy cơ sạt lở đất lúc bấy giờ vẫn ở cái mức rất cao. Rất nhiều trường hợp mưa đã giảm đi rồi nhưng mà sạt lở nó vẫn tiếp tục xảy ra và gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Khi vùng áp thấp suy yếu từ bão số 3 di chuyển sang Lào, vẫn có thể tiếp tục gây mưa chứ không phải sẽ dừng mưa ngay được. Kể cả khu vực miền Bắc và Bắc miền Trung, khi tâm bão đi qua và suy yếu rồi thì vẫn tiếp tục có mưa trong một vài ngày tới. Bởi vì nó sẽ thiết lập một giải thời tiết xấu vắt ngang qua Bắc Bộ và khu vực Bắc Lào.