Bác sĩ giật mình khi phát hiện bé gái 11 tuổi có đến 81 chiếc răng, thách thức quá trình điều trị
Về mặt nha khoa, tình trạng có đến 81 chiếc răng của bé gái gây nhiều thách thức trong điều trị. Việc nhổ bỏ toàn bộ răng siêu thừa phải được tính toán kỹ lưỡng để tránh tổn thương đến xương hàm.
Mới đây, bé gái 11 tuổi ở Brazil khiến các bác sĩ giật mình khi có đến 81 chiếc răng trong miệng. Đây được xem là trường hợp cực kỳ hiếm gặp và gần như chưa từng được ghi nhận ở người không mắc các hội chứng di truyền đi kèm.

Thông tin được nhóm bác sĩ tại Đại học Liên bang Juiz de Fora, bang Minas Gerais (Brazil) công bố trên Tạp chí Chỉnh nha và Phẫu thuật hàm mặt Mỹ (American Journal of Orthodontics and Dentofacial Orthopedics) vào đầu tháng 7.
Bệnh nhi là bé gái 11 tuổi 8 tháng, ban đầu bé đến khám nha khoa vì muốn nhổ chân răng sữa còn sót lại ở hàm trên. Tuy nhiên, kết quả X-quang cho thấy bé có tổng cộng 81 chiếc răng. Bao gồm 18 răng sữa, 32 răng vĩnh viễn và 31 răng siêu thừa.

Tình trạng kể trên của bé gái được gọi là “đa răng siêu thừa” (multiple hyperdontia), một dạng phát triển bất thường rất hiếm gặp, khi số lượng răng vượt quá giới hạn bình thường (32 chiếc ở người trưởng thành).
“Phần lớn các ca chỉ có một vài răng siêu thừa, nhưng việc có đến 31 chiếc như trong trường hợp này là điều gần như chưa từng thấy nếu không đi kèm các hội chứng di truyền”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Để đánh giá toàn diện, các bác sĩ đã tiến hành chụp cắt lớp (CT) nhằm xác định chính xác vị trí của từng răng và loại trừ nguy cơ bé mắc các hội chứng liên quan đến đa răng, như hở hàm ếch, loạn sản xương đòn sọ (cleidocranial dysplasia) hay hội chứng Gardner. Bệnh nhi cũng được thực hiện xét nghiệm nhiễm sắc thể tại phòng thí nghiệm Cortes Villela.
Sau quá trình xét nghiệm, kết quả cho thấy có một hiện tượng đảo đoạn trên nhiễm sắc thể số 9 - biến thể di truyền không phổ biến. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có kết luận về mối liên hệ trực tiếp giữa bất thường này với số lượng răng siêu thừa của bệnh nhi.
Không chỉ thế, mẹ của bé gái được xác định mắc bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia). Tuy nhiên, các bác sĩ không ghi nhận mối liên hệ di truyền rõ ràng giữa tình trạng này với biểu hiện đa răng của con gái bà.
Về mặt điều trị, tình trạng của bé đặt ra nhiều thách thức cho các bác sĩ chuyên khoa. Việc nhổ bỏ răng siêu thừa cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh gây tổn thương xương hàm. Một số răng chưa mọc còn có hình dạng bất thường, khiến việc phân biệt giữa răng thật và răng dư trở nên phức tạp.
Theo nhóm tác giả, quá trình điều trị đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều chuyên ngành. Trong đó, bao gồm phẫu thuật răng hàm mặt, chỉnh nha, nha chu và phục hình răng. Mục tiêu là phục hồi chức năng ăn nhai, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và duy trì cấu trúc hàm mặt ổn định cho bệnh nhi trong dài hạn.
Trường hợp 81 chiếc răng này không chỉ thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn mà còn nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Đây cũng là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc khám nha khoa định kỳ, nhất là với trẻ em nhằm phát hiện và can thiệp sớm những bất thường nếu có.