Cuộc gọi bất thường của tài xế xe ôm trước khi ra đi mãi mãi, vợ không biết chồng bị cướp sát hại
Gia đình ông H thuộc diện hộ nghèo, cả nhà sống chen chúc trong một phòng trọ chật hẹp. Trước khi gặp nạn, ông H có gọi về cho vợ. Không ai ngờ, đó lại là lần cuối họ còn nghe thấy giọng nhau.
Vụ án giết người, cướp của xảy ra tại Đồng Nai đang khiến dư luận bàng hoàng suốt những ngày qua. Nạn nhân là ông P.L.H (55 tuổi, quê Cái Bè, Tiền Giang). Ông H là tài xế xe ôm công nghệ, bị Hoàng Thành Công (20 tuổi, quê xã Ia Lâu, tỉnh Gia Lai) sát hại, cướp tài sản vào ngày 10/7 vừa qua.
Trưa 10/7, ông H rời phòng trọ để chạy xe ôm. Vợ ông là bà Ngô Thị Kim Tuyến (56 tuổi), bị thoái hóa khớp, teo cơ chân. Bà nằm nhà thời gian dài, hàng ngày thường chờ chồng về chở đi châm cứu. Nào ngờ, sau trưa hôm đó, ông H không còn trở về nữa.
Ông H nhận cuốc xe của Hoàng Thành Công chở đến xã Xuân Đường với giá 100 nghìn đồng. Công là kẻ nghiện ngập, sống lang thang và đã chuẩn bị sẵn dao với ý định cướp tài sản của tài xế xe ôm. Ông H trở thành người xấu số khi rơi vào tầm ngắm của tên này.
Khi đi đến khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, Công yêu cầu ông H dừng xe để đi vệ sinh. Ngay sau đó, hắn rút dao cắt vào cổ nạn nhân, khiến ông H ra đi tại chỗ. Công lấy ví tiền, giấy tờ, cướp chiếc xe máy cũ của ông H rồi tẩu thoát.
20h50 cùng ngày, cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai cùng các đơn vị đã bắt giữ được Công khi hắn lẩn trốn ở xã Xuân Đường. Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai nhận bán chiếc xe của ông H được 4 triệu đồng để trả nợ game.
Một mạng người đã ra đi trong oan uổng, nhưng kẻ thủ ác gương mặt vẫn lạnh lùng, bình thản đến ghê rợn. Vụ việc này càng khiến dư luận thêm đau lòng khi biết được hoàn cảnh của nạn nhân.
Sau khi mai táng, ông H được gia đình đưa lên chùa Bửu Lộc (xã Long Thành, Đồng Nai). Ở đây không tiếng kèn trống, không vòng hoa viếng, chỉ có vài người thân quen đến đưa tiễn, thắp hương cho ông.
Vợ cùng hai con của nạn nhân khóc nghẹn trước sự thật quá phũ phàng. Bà Tuyến cho biết, bà bị bệnh tật hành hạ không thể đi lại, chỉ ngồi bò trong căn phòng trọ nhỏ chờ chồng đi làm về mỗi trưa. Trưa hôm đó, dù đau chân nhưng bà vẫn cố nấu món cá bống kho mà ông H thích. Đáng tiếc là ông vĩnh viễn không thể ăn nó và cũng chẳng trở về nữa.
Người góa phụ bật khóc kể lại: "Sáng ông ấy đi chợ cho cô rồi mới đi chạy xe. Cô kho cá bống cho ông ấy ăn trưa... Ông ấy thích món đó lắm. Vậy mà chờ mãi không thấy về".
12 giờ trưa không thấy chồng về, bà Tuyến nóng ruột gọi điện nhưng không thể liên lạc được. Chiếc điện thoại thường ngày không bao giờ tắt máy, nay bỗng dưng không còn tín hiệu, càng khiến người vợ lo lắng.
"Cô đợi hoài không thấy ông ấy về, cô gọi điện mà cứ thuê bao hoài, ông ấy không bao giờ như vậy hết. Bình thường có đi thì ông ấy cũng điện về là anh đi đây đi đó đến 4 giờ hoặc bao giờ về, nhưng cứ thuê bao hoài nên cô cũng nóng ruột…", bà Tuyến nhớ lại.
Bà Tuyến hỏi hàng xóm và người quen nhưng cũng không ai biết tin tức ông H. Mãi đến khi một người phụ nữ bán vé số đến phòng trọ hỏi "Có phải nhà chú chạy xe ôm không?", bà Tuyến nhận tin ông H bị tai nạn. Thì ra mọi người sợ bà sốc nên cố giấu sự thật đau llofng.
"Cô hỏi chồng cô đâu, người ta mới nói ông ấy bị tai nạn, giấu cô. Tối qua lên đến đây (chùa) mới biết", người vợ chia sẻ trong nước mắt.
Đến giây phút cuối cùng, bà Tuyến còn không được nhìn mặt chồng mình lần cuối.
Được biết gia đình ông H lên Đồng Nai mưu sinh từ hơn 10 năm trước, cuộc sống khó khăn chồng chất khi bà Tuyến mắc bệnh nặng. Hai đứa con của ông bà chỉ mới mười mấy, đôi mươi. Hiểu hoàn cảnh gia đình, cậu con út mới lớp 10 đã xin nghỉ học để đi làm phụ giúp cha mẹ.
Bà Tuyến tâm sự: "Chân cô bị như vậy. Em thi lên lớp 10 mà rớt, cô mới nói con ráng học, mẹ đi mượn tiền con đi học trường nghề. Nhưng em nói mẹ bị vậy con không đi học nổi đâu. Em mới đi làm phụ cho ba, thuốc men cho cô, nhà cửa…".
Trong căn phòng trọ nhỏ thuê với giá hơn 1 triệu đồng, gia đình 4 người sống chen chúc. Họ chẳng có món đồ gì đáng giá, đồ dùng đều là đồ cũ xin được hay được tặng. Ngay cả chiếc xe ông H chạy xe ôm cũng là được người quen đầu ngõ cho mượn vì chiếc xe cũ họ hàng tặng ông bị hỏng liên tục. Người hàng xóm chỉ vừa đưa giấy tờ xe cho ông H vài ngày trước.
"Cô mới xin em nó bán rẻ lại 2 triệu rồi xin đến mấy hôm nữa có trả. Em nó nói thôi chị cứ giữ đi, khi nào có tiền thì gửi. Mới chạy được không lâu thì bây giờ mất tiêu rồi, người cũng mất rồi…", bà Tuyến cho biết.
Kể về người chồng xấu số, bà Tuyến thêm nghẹn ngào. Với bà, ông không phải người biết nói ngon ngọt, cũng không có tiền, nhưng rất yêu thương vợ con.
"Ông ấy ít nói chuyện lắm. Vợ chồng trong bữa trưa thì nói cầu sao trời thương có tiền, có cái chòi cũng đỡ. Mình giờ già rồi bà ơi, chẳng làm gì nổi nữa. Con thì chưa đứa nào được gì hết… Ông ấy thương vợ thương con lắm, không có bê tha, có gì cũng đem về cho vợ cho con hết, miếng bánh gì cũng đem về hết.
Ông ấy đi chở bánh, người ta cho bánh cũng mang về. Mới mang bữa trước rồi bữa sau ông ấy bị. Dù ông ấy không có bày tỏ tình cảm nhưng mình hiểu", người vợ nhớ lại.
Nhiều lần đau đớn vì bệnh tật, bà H than thở với chồng: "Ông ơi chắc tôi đi trước quá". Đáp lại, người đàn ông cười hiền từ: "Nhiều khi tôi đi trước bà đó". Ấy thế mà cuối cùng câu nói đùa đó lại trở thành hiện thực.
Sống trong nghèo khó nhưng ông H vẫn rất ngay thẳng và chăm chỉ. Ông không ngại việc gì, miễn có thể kiếm tiền lo cho gia đình. Mọi người ai cũng nhớ đến người đàn ông chạy xe ôm cần cù, thật thà, có thể chờ cả tiếng đồng hồ chở khách về mà không hề than vãn. Chính sự tử tế đó mà sau khi ông ra đi, có những người chỉ là nghe về ông cũng tìm đến thắp nén hương thơm.
"Chị đi chú được 3, 4 lần. Nhớ khi có công việc giao giấy tờ ở Biên Hoà, chú chạy rất cẩn thận. Khi đến nơi, chú hỏi chị có cần đợi không, chú ngồi ở quán nước đợi chị về luôn.
Chú kể chị nghe nhiều lắm, mỗi lần đi là một câu chuyện về cuộc đời của chú. Chú cũng nói hoàn cảnh gia đình, chị không biết bé nào học ở Sài Gòn nhưng chú tự hào về bé lắm. Chú nói ráng làm để lo cho các bé học, có công việc. Nếu bé ở Sài Gòn thì chú phải cố gắng nhiều hơn…", một người khách cũ của ông H xúc động chia sẻ.
Ông H từng tâm sự với người khách này rằng chỉ mong có một căn nhà nhỏ cho vợ con, sau đó ông mới dám sống chậm lại một chút. Đáng tiếc ước mong còn chưa thành hiện thực, người đàn ông đã ra đi vĩnh viễn.
Sau vụ án đau lòng của ông H, nhiều nhà hảo tâm, người xa lạ có lòng đã chuyển tiền quyên góp, hỗ trợ cho gia đình. Số tiền mỗi lần chuyển không nhiều, nhưng là cả tấm lòng và sự cảm thông họ dành cho người quá cố.
Hình ảnh: Di Anh