Khám phá mới

Vị giáo sư duy nhất của Việt Nam từng làm Bộ trưởng của 2 bộ, tên được đặt cho nhiều con đường trên khắp đất nước

Vị giáo sư duy nhất của Việt Nam từng làm Bộ trưởng của 2 bộ, tên được đặt cho nhiều con đường trên khắp đất nước

Cho đến bây giờ, vị giáo sư này vẫn là nhà đại tri thức, niềm tự hào của Việt Nam. Sinh thời, ông là nhà hoạt động khoa học và giáo dục nổi tiếng, từng đảm nhận vị trí Bộ trưởng của 2 bộ.

Ở Việt Nam, vị giáo sư này được xem là người đặt nền móng cho lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự. Ông là giáo sư duy nhất từng làm Bộ trưởng của 2 bộ là Bộ Quốc phòng và Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp. Người được nhắc đến ở đây chính là nhà trí thức yêu nước – Tạ Quang Bửu.

giao-su-ta-quang-buu-10
GS Tạ Quang Bửu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh vào ngày 23/7/1910 ở thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoàng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Khi đó có sao chổi Halley xuất hiện. Điều kỳ lạ, ngày 21/8/1986 ông ra đi cũng là lúc sao chổi Halley trở lại, đúng chu kỳ 76 năm.

Giáo sư Tạ Quang Bửu xuất thân từ một gia đình hiếu học, từ nhỏ đã nổi danh học giỏi. Ông đỗ đầu tú tài bản xứ và tú tài Tây môn toán, lại còn là tú tài triết hạng cao. Thành tích xuất sắc đó giúp vị giáo sư này được học bổng của Hội Như tây du học Trung kỳ để sang Pháp học. Ông thi đỗ vào Trường Centrale (A) Paris năm 1930, học Toán ở các trường Đại học Paris, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh) từ năm 1930 đến 1934. Ông cũng học thêm cả cơ học lượng tử ở ĐH Oxford.

giao-su-ta-quang-buu-1
Thuở nhỏ, cậu học trò Tạ Quang Bửu nổi tiếng học giỏi ở Tam Kỳ và Quốc học Huế. Ảnh tư liệu

Du học được 5 năm, người thanh niên Tạ Quang Bửu khi đó quyết định về nước và dạy học ở trường trung học “Thiên hựu học đường” ở Huế. Lòng yêu nước vẫn luôn thường trực trong trái tim ông. Tháng 8/1945, GS Tạ Quang Bửu cùng luật sư Phan Anh đã ra Hà Nội tham gia cách mạng, chính thức cống hiến toàn tâm, toàn lực cho dân tộc cũng như nền khoa học nước nhà.

giao-su-ta-quang-buu-2
Năm 1934, Tạ Quang Bửu (đứng giữa) về nước, ở Huế và dạy Trường Thiên Hựu. Ông sáng lập nhóm trí thức "sẵn sàng phục vụ nhân dân và đất nước" với tên gọi Trách nhiệm. Ảnh tư liệu

Chính GS Tạ Quang Bửu đã tiến cử những tri thức Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Pháp cho Bác Hồ, có thể kể đến như Phạm Quang Lễ (sau được Bác đổi tên thành Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân… Tất cả sau khi được Bác Hồ thuyết phục đều đã từ bỏ tất cả để về phụng sự đất nước, dân tộc.

giao-su-ta-quang-buu-3
Giữa tháng 8/1945, GS Tạ Quang Bửu (hàng đứng, thứ hai từ phải sang) cùng LS Phan Anh ra Hà Nội tham gia chính quyền cách mạng non trẻ. Ảnh tư liệu

Sinh thời, GS Tạ Quang Bửu từng giữ nhiều chức vụ quan trọng. Khi ra tham gia cách mạng, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong chính phủ lâm thời, phụ trách giao thiệp với Mỹ và Anh giai đoạn từ 9/1945 – 1/1946. Sau đó, từ 3/1946, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ 8/1947 đến 8/1948, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao. Từ 9/1948 đến 1961, ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và kiêm nhiệm nhiều cương vị khác.

giao-su-ta-quang-buu-4
Sáng ngày 21/7/1954, thay mặt Tổng tư lệnh, GS Tạ Quang Bửu ký với Quân đội Pháp Hiệp định đình chiến ở Đông Dương. Ảnh tư liệu

Không chỉ vậy, từ 1956 – 1961, GS Tạ Quang Bửu chính là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Từ 1965 – 1976, ông là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ở Việt Nam, chỉ có ông là vị giáo sư duy nhất từng đảm nhận qua 2 chức Bộ trưởng hoàn toàn khác nhau.

giao-su-ta-quang-buu-5
Năm 1956, GS Tạ Quang Bửu (áo trắng, ngồi giữa) làm Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh tư liệu
giao-su-ta-quang-buu-6
GS Tạ Quang Bửu (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp từ năm 1965-1976. Ảnh tư liệu

GS Tạ Quang Bửu không chỉ tài giỏi kiệt xuất mà còn có tầm nhìn xa trông rộng. Dưới sự chỉ đạo của ông, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã gửi hàng nghìn nghiên cứu sinh, lưu học sinh, thực tập sinh du học ở các nước XHCN. Nhờ đó mà nước ta có nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng đất nước sau khi hòa bình.

giao-su-ta-quang-buu-7
Gia đình GS Tạ Quang Bửu. Năm 1942 ông cưới bà Hoàng Kim Oanh, con gái Huynh trưởng Bắc kỳ Hoàng Đạo Thuý. Hai ông bà sinh được 6 người con. Ảnh tư liệu

Cũng trong thời kỳ Giáo sư Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức kỳ thi tuyển vào đại học, và đã đạt được những thành công to lớn.

giao-su-ta-quang-buu-8
Ít ai biết GS Tạ Quang Bửu còn là Chủ tịch Hội Điền kinh Việt Nam. Ảnh tư liệu

Nhờ những đóng góp to lớn của mình, GS Tạ Quang Bửu được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, các Huân chương Kháng chiến hạng Nhất... và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về khoa học và công nghệ với “Tập hợp các công trình giới thiệu khoa học, kỹ thuật hiện đại, chỉ đạo các nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

giao-su-ta-quang-buu-9
Vừa làm quản lý, GS Tạ Quang Bửu vẫn say sưa nghiên cứu và giảng dạy. Ảnh tư liệu

Ở Hà Nội, TP.HCM, TP Đồng Hới, TP Huế, TP Đà Nẵng, TP Hạ Long đều có những địa danh gắn liền với tên tuổi của GS Tạ Quang Bửu. Đặc biệt nhất trong số đó phải kể đến con đường từ Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo xuyên qua khuôn viên Đại học Bách Khoa Hà Nội đến phố Bạch Mai được đặt tên đường Tạ Quang Bửu.