Khám phá mới

Người giữ nhiều chức Bộ trưởng nhất Việt Nam: Không phải Đảng viên, không làm tướng vẫn là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Người giữ nhiều chức Bộ trưởng nhất Việt Nam: Không phải Đảng viên, không làm tướng vẫn là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Trong số đội ngũ lãnh đạo là “thế hệ vàng” của cách mạng Việt Nam có một người rất đặc biệt. Ông là tri thức Tây học, một nhân vật ngoài Đảng, từng giữ trọng trách làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế chuyển tiếp thành Bộ Công thương, Bộ Ngoại thương…

Sau khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Cũng trong hôm đó, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra mắt quốc dân đồng bào.

Đó là một chính phủ non trẻ, vừa giành được độc lập, đối diện với nhiều khó khăn nhưng không bao giờ ngừng tiến lên phía trước. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đã quy tụ, hình thành nên bộ máy tổ chức nhà nước cho đất nước ta ngày ấy. Lúc bấy giờ, đó là đội ngũ lãnh đạo được xem như “thế hệ vàng” của cách mạng Việt Nam.

luat-su-phan-anh-5
Ảnh tư liệu

Trong số những nhân vật đi vào lịch sử năm ấy, có một vị bộ trưởng vô cùng đặc biệt. Ông là một trí thức Tây học, người ngoài Đảng nhưng được Đảng và Bác Hồ trao cho rất nhiều trọng trách trong bộ máy nhà nước. Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành, dốc hết sức lực để thực hiện, tận tụy phục vụ dân và đất nước. Người được nhắc đến là luật sư Phan Anh.

Luật sư Phan Anh (1911 – 1990), quê ở làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Quê hương ông chính là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa của Đình nguyên Phan Đình Phùng, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi năm 1885.

Ông Phan Anh sinh ra trong một gia đình nhà nho, tuy nghèo khó nhưng được cho ăn học đầy đủ. Lớn lên, ông được cha cho thoát ly, rèn tiếng Pháp và tiếp cận trí thức phương Tây.

Năm 1926, ông Phan Anh giành học bổng nội trú của trường Bưởi, Hà Nội. Tốt nghiệp tú tài ngôi trường danh giá này xong, ông theo học ngành Luật ở Trường Đại học Đông Dương, Hà Nội. Sau khi lấy bằng cử nhân, vị luật sư tiếp tục sang Pháp trình luận án Tiến sĩ Luật. Tuy nhiên vì Chiến tranh thế giới thứ hai mà ông không thực hiện được. Cuối cùng ông Phan Anh về Việt Nam phụng sự đất nước.

luat-su-phan-anh-2
 Bộ trưởng Phan Anh (1912 - 1990). Ảnh tư liệu

Là một luật sư có quan điểm ái quốc thương dân, ông Phan Anh đã làm mọi việc để đóng góp vào cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Ông cùng ông Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Hiền lập “Tạp chí Thanh Nghị” để nó lên tâm nguyện kẻ sĩ chân chính của đất Việt. Về sau, cũng chính vị luật sư này đã ra bào chữa cho nhiều chiến sĩ hoạt động cách mạng không may bị Pháp bắt giữ.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Vua Bảo Đại mời ông Phan Anh và một số trí thức vào Huế để thành lập Nội các mới. Ông được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Sau này, chính ông Phan Anh cùng GS. Tạ Quang Bửu đã sáng kiến lập trường Thanh niên Tiền tuyến Huế (Thanh niên Phan Anh, Thanh niên Xã hội). Vị luật sư nằm trong Hội đồng soạn thảo Hiến pháp kiêm thuyết trình viên để soạn thảo Hiến pháp cho nước Việt Nam mới.

luat-su-phan-anh-4
Luật sư Phan Anh là niềm tự hào của trí thức Việt Nam thời bấy giờ. Ảnh tư liệu

Sau khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, luật sư Phan Anh từ chức ở Chính phủ Trần Trọng Kim rồi về sống tại Hà Nội. Thời gian này ông có cuộc gặp mặt với Bác Hồ và các nhân sĩ trí thức ở Bắc Bộ phủ. Chính Người đã đề cử luật sư Phan Anh làm Chủ tịch Ủy ban Kiến thiết quốc gia. Sau Tổng tuyển cử 6/1/1946, oonhg được mời làm Bộ trưởng Quốc phòng trong thành phần Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.

Cuối tháng 3 – tháng 9/1946, luật sư Phan Anh được Bác Hồ cử tham gia Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Fontainebleau ở Pháp với tư cách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng thuyết trình viên chuyên về pháp luật.

luat-su-phan-anh-1-min
Hồ Chủ tịch và một số Bộ trưởng, nhân sĩ, trí thức tại Việt Bắc năm 1951 (Luật sư Phan Anh đứng thứ năm từ trái sang). Ảnh: Báo Công Thương

Năm 1947, ông Phan Anh được điều chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế, là thành viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao (năm 1949). Tháng 7/1954, luật sư Phan Anh trở thành phái viên phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Giơnevơ.

Kể từ sau năm 1954, luật sư Phan Anh liên tục giữ các chức vụ là Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp (từ tháng 9-1955 đến tháng 4-1958), Bộ trưởng Bộ Ngoại thương (từ tháng 4-1958 đến năm 1976) trong Chính phủ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và liên tục là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

luat-su-phan-anh-3-min
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng (phải) và Bộ trưởng Bộ Công Thương, Luật sư Phan Anh trong thời gian dự Hội nghị Giơnevơ (1954). Ảnh: BTLSVN

Bên cạnh cống hiến về chính trị, luật sư Phan Anh còn có những hoạt động quan trọng trong ngành luật pháp nước ta. Ông chính là người cùng luật sư Nguyễn Mạnh Tường sáng lập Hội Luật gia Việt Nam, tham gia Ban thường vụ Hội Luật gia quốc tế.

Trong suốt cuộc đời, sự nghiệp của mình, luật sư Phan Anh không ngại khó, không ngại khổ, luôn tậm tâm, tận lực mỗi khi được giao nhiệm vụ. Ông là người giữ chức Bộ trưởng của nhiều Bộ nhất Việt Nam, tuy không làm tướng quân đội vẫn là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Luật sư Phan Anh tuy không phải Đảng viên ĐCS Việt Nam, nhưng đã sống và cống hiến như một người cộng sản.