Ukraine chi 172 triệu USD mua vũ khí cũ của Mỹ: Vì sao tên lửa Hawk bị loại biên lại trở thành cứu cánh giữa chiến sự?
Giữa bối cảnh chiến sự Ukraine bước vào giai đoạn ác liệt, chính phủ Kyiv bất ngờ chi 172 triệu USD để mua lại hệ thống tên lửa Hawk - loại vũ khí phòng không từng bị Mỹ loại biên. Đằng sau thương vụ này là bài toán phòng thủ khẩn cấp và chiến lược tận dụng tối đa kho vũ khí cũ của phương Tây.
Trong bối cảnh chiến sự Ukraine ngày càng leo thang, lực lượng phòng không nước này đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các loại tên lửa đánh chặn tầm trung. Để giải quyết vấn đề, chính phủ Ukraine đã quyết định chi khoản ngân sách lên tới 172 triệu USD nhằm mua lại hệ thống tên lửa Hawk, loại vũ khí từng bị Mỹ loại biên từ đầu những năm 2000.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, thương vụ này không chỉ hỗ trợ an ninh của Ukraine mà còn nằm trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Washington. Gói mua sắm bao gồm xe chuyên dụng, linh kiện, huấn luyện vận hành, bảo trì và nhiều dịch vụ hậu cần khác cho các tổ hợp Hawk, từng được xem là trụ cột của hệ thống phòng không NATO trong suốt nhiều thập kỷ.
Mặc dù không còn là vũ khí hiện đại, tên lửa Hawk vẫn đang đóng vai trò then chốt trong nỗ lực tự vệ của Ukraine. Ra đời từ những năm 1950, Hawk không thể so sánh với các hệ thống tối tân như Patriot, nhưng bù lại, nó có độ tin cậy cao, dễ vận hành và đặc biệt là có số lượng dồi dào.
Một cơ sở mới đặt tại Oklahoma (Mỹ) hiện đang thực hiện quy trình thu hồi, kiểm tra và nâng cấp hàng nghìn quả tên lửa Hawk đã cũ để phục vụ cho Ukraine. Được biết, chỉ trong giai đoạn đầu, Lục quân Mỹ đã rà soát được gần 2.800 quả trong kho dự trữ.
Trong khi đó, các đồng minh như Tây Ban Nha, Hà Lan cũng đã chuyển giao radar và bệ phóng, cho phép Ukraine triển khai ít nhất 4 tổ hợp Hawk ngay trên thực địa. Cơ sở Oklahoma không chỉ xử lý tên lửa từ kho của Mỹ, mà còn tiếp nhận thêm gần 1.000 quả từ các quốc gia NATO khác.
Điểm đáng chú ý, các phiên bản Hawk nâng cấp hiện có thể tích hợp vào hệ thống NASAMS, tổ hợp phòng không do Mỹ - Na Uy hợp tác phát triển và Ukraine đang sử dụng. Nhờ vào phần mềm chỉ huy mới từ tập đoàn Kongsberg (Na Uy), các tổ hợp Hawk có thể dùng chung radar và trung tâm điều phối với NASAMS, tạo thành lưới phòng không thống nhất.
Trong bối cảnh tên lửa Patriot, vũ khí phòng không chủ lực của Mỹ khan hiếm trầm trọng (Lockheed Martin chỉ sản xuất tối đa 600 quả/năm), thì Hawk đang nổi lên như một giải pháp tình thế nhưng hiệu quả, với nguồn đạn dồi dào và chi phí rẻ hơn nhiều.
Raytheon, nhà sản xuất Hawk, từng chế tạo tới 40.000 quả tên lửa trong thời kỳ đỉnh cao. Dù bị loại khỏi biên chế, số lượng khổng lồ này nay lại trở thành “mỏ vàng” cho Ukraine trong cuộc chiến giành lại không phận trước sức ép ngày càng lớn từ Nga.