Điện thoại

Touch ID trên iPhone chỉ hoạt động với người SỐNG

Touch ID trên iPhone chỉ hoạt động với người SỐNG

Tính đến nay đã gần 5 năm kể từ khi iPhone 5s ra mắt. Đây là chiếc điện thoại đầu tiên của Apple được trang bị cảm biến vân tay với tên gọi Touch ID. Và mặc dù xuất hiện lâu như vậy nhưng có những điều mà tới nay nhiều người vẫn chưa biết về bộ cảm biến này.

Ảnh minh hoạ: AppCoda

Một trong số đó chính là việc: Touch ID sẽ không thể hoạt động khi chủ nhân của chiếc iPhone đã chết, vừa chết hay thậm chí là chỉ chết lâm sàng (tim bệnh nhân ngừng đập, não không còn tín hiệu hoạt động nhưng họ vẫn có thể sống lại).

Không biết bạn đã từng nghĩ đến vấn đề này chưa? Nếu chưa thì hãy cùng mình đi tìm lời đáp nhé!

Touch ID: Không đơn giản chỉ là quét vân tay

Gần đây, khi tình cờ nhìn thấy status của một chị đồng nghiệp (ảnh bên trên) thì mình đã tự hỏi: Chuyện này là có thật sao?

Bởi vì trước giờ mình đều cho rằng, quét vân tay có nghĩa là chúng ta chỉ cần đặt ngón tay lên cảm biến, miễn khớp với dữ liệu trong máy thì điện thoại sẽ mở.

Tuy nhiên, sau khi biết được câu chuyện có-1-0-2 về Touch ID này, mình đã thử tìm lại những tài liệu cũ có nói về vấn đề tương tự. Hầu hết chúng đều từng bị coi là bài viết quảng cáo cho Apple.

Nhưng nay, mình đã tin vì đã có trường hợp chứng thực được sự an toàn tuyệt đối trong thực tế!

Ảnh minh hoạ: Trusted Reviews

Theo thông tin kết hợp từ Quora và Engadget, Touch ID trên iPhone hoạt động theo cơ chế (mà mình tạm gọi là) 2 cửa (hoặc 2 lớp).

Đầu tiên, khi đặt ngón tay lên phần cảm biến (nút home) thì chiếc vòng kim loại sáng bóng xung quanh sẽ có nhiệm vụ như một cảm biến điện dung.

Nó đảm nhận việc nhận diện các hạt điện tích phát ra từ tay bạn (một cơ thể sống) - tương tự như màn hình cảm ứng chứ không phải chỉ để trang trí cho đẹp.

Khi thoả bước thứ nhất, một tần số vô tuyến bên trong Touch ID được phát ra, bằng cách bỏ qua lớp da bên ngoài và chỉ tiếp xúc với mô bên trong, cảm biến có thể biết được cơ thể này có đúng là còn sống hay không.

Nếu thoả tiếp bước này thì dữ liệu dấu vân tay mới được truyền vào bên trong để đối chiếu và mở máy khi xác thực thành công.

Ảnh gốc: Picjumbo

Từ những mô tả về công nghệ của Touch ID cũng như trường hợp mà mình chia sẻ ở đầu bài, chúng ta có cơ sở suy luận rằng: Đây là một công nghệ khá là bảo mật của Apple (tất nhiên là không tuyệt đối 100%).

Rõ ràng, chúng ta sẽ khó có thể qua mặt bộ cảm biến này vì nó khá là "tinh ranh". Ngay cả khi những tên trộm có được ngón tay của chủ nhân chiếc iPhone bị mất cắp thì chúng cũng không thể mở được.

Thậm chí, giả sử chúng có cố đánh lừa Touch ID rằng cơ thể này là còn sống thì cũng bị cánh cửa thứ 2 (với tần số vô tuyến) ngăn chặn lại.

Bởi thế nên Engadget có đ&uugrave;a rằng: Phép màu sẽ chỉ xuất hiện nếu ngón tay của chủ nhân chiếc iPhone được nối thành công vào người còn sống khác trong thời gian mà phần mô chưa hoại tử.

Ảnh minh hoạ: CNNMoney

Dù an toàn nhưng bạn cũng nên có biện pháp dự phòng

Sau khi xem phần ở trên, có lẽ bạn đang khá thích chí (nếu đang dùng iPhone có Touch ID) vì biết rằng cảm biến này khá là an toàn.

Song, mình thành thật khuyên bạn nên cài thêm 1 hay 2 vân tay (khác nhau) của người thân cận để phòng hờ trường hợp xấu nhất xảy đến với bản thân.

Lý do đơn giản vì giống như tài khoản Facebook, chiếc iPhone cần được xoá dữ liệu sau khi người dùng cũ qua đời. Hoặc xa hơn là cần được can thiệp để trích xuất những thông tin có thể ảnh hưởng đến vụ án mạng của chủ nhân nó,...

Ảnh gốc: Newsbtc

Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là cần đảm bảo có biện pháp dự phòng trên chiếc máy mà mình đang dùng. Và trường hợp này cũng nên áp dụng cho những smartphone Android có cảm biến vân tay khác.

Bạn nghĩ gì sau khi xem bài viết? Hãy comment bên dưới để thảo luận cùng mọi người nhé!

Nguồn tin tức Thế giới di động