Khám phá mới

Lý do Phật Tổ giam Tôn Ngộ Không dưới núi Ngũ Hành 500 năm chứ không phải nơi nào khác

Sau khi đại náo thiên cung, Tôn Ngộ Không bị giam giữ dưới núi Ngũ Hành suốt 500 năm. Tại sao lại là ngọn núi này mà không phải nơi nào khác?

Tây Du Ký, một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Hoa, sau khi được chuyển thể lên màn ảnh, đã nhanh chóng trở thành hiện tượng văn hóa, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ đạo diễn tiếp nối sau này.

Khi theo dõi bộ phim, không ít khán giả từng thắc mắc: Làm sao Tôn Ngộ Không bị giam dưới chân núi Ngũ Hành suốt 500 năm, chỉ được cho ăn sắt gỉ và uống nước đồng mà vẫn khỏe mạnh phi thường, không hề suy yếu?

ton-ngo-khong-1

Lý do nằm ở cội nguồn của Mỹ Hầu Vương. Hắn vốn không phải sinh linh bình thường, mà là linh hầu sinh ra từ một tảng đá trời, được hấp thụ linh khí trời đất, tinh hoa nhật nguyệt, trải qua ngàn năm mới thành hình. Với xuất thân đặc biệt như vậy, thể chất Ngộ Không cũng hoàn toàn vượt trội, căn cơ phi phàm, khó ai sánh kịp.

Sau khi thành hình, Tôn Ngộ Không được Bồ Đề Tổ Sư truyền dạy pháp thuật trường sinh và 72 phép biến hóa thần thông. Nhờ đó, hắn không chỉ mạnh mẽ mà còn sở hữu trí tuệ tinh anh hiếm có.

Trên thiên đình, Ngộ Không từng giữ chức Bật Mã Ôn. Nhưng với một kẻ ngông nghênh như hắn, làm sao có thể cam chịu số phận tầm thường với công việc cỏn con là coi giữ ngựa?

ton-ngo-khong-2

Hắn nổi loạn, ăn trộm đào tiên, rượu ngự và cả linh đan của Thái Thượng Lão Quân. Vị đạo tổ này từng thốt lên: “Tên khỉ ấy không những ăn đào tiên, uống rượu ngự mà cả năm vò rượu thuốc của ta cũng bị nó tu luyện hết cả. Đến linh đơn cũng bị nó nuốt chửng. Thể xác nó lại được rèn trong lửa tam muội, thân thể chẳng khác nào khối kim cương, không gì có thể phá hủy. Thôi thì để ta mang nó vào lò Bát Quái, dùng lửa văn vũ luyện đan thiêu rụi nó”.

Nhưng kết quả lại ngược hoàn toàn. Sau khi bị nhốt trong lò luyện, Ngộ Không không chỉ không chết mà còn được rèn luyện thêm một tầng sức mạnh nữa. Từ đó, hắn có được “Đồng đầu thiết tý” (đầu cứng như đồng, tay dẻo như thiếc) và “Hỏa nhãn kim tinh” (đôi mắt có thể nhìn xuyên yêu tà, dối trá).

Trước đó, khi từng làm loạn địa phủ, Tôn Ngộ Không đã ngang nhiên gạch tên mình khỏi sổ sinh tử, trở thành kẻ trường sinh bất lão, chẳng thể bị chết theo lẽ thường tình.

Chính vì vậy, chuyện bị đè dưới chân núi Ngũ Hành suốt nửa thiên niên kỷ, với hắn, chỉ như một sự thử thách nhỏ.

ton-ngo-khong-3

Song, điều đáng lưu ý là Tôn Ngộ Không không bị giam ở bất kỳ ngọn núi nào khác mà lại là núi Ngũ Hành. Điều này không hề ngẫu nhiên.

Theo quan niệm Đạo gia, Ngũ Hành – gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ – là năm yếu tố tạo nên vạn vật trong vũ trụ, thuộc về thế giới vật chất, nằm trong phạm trù Tam giới (Trời – Đất – Người). Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành, tức là bị giam cầm trong cõi trần tục, không thể thoát ly thân xác phàm trần, không thể tiêu dao tự tại như xưa.

ton-ngo-khong-4

Trải qua 500 năm gió sương, giam hãm và suy ngẫm, Hầu Vương cuối cùng cũng cải biến tâm tính, nguyện ý phò tá Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh. Con đường tu hành của hắn bắt đầu từ đó.

Và đây chính là điều mà Phật gia lẫn Đạo gia đều đề cập: Khi con người sa đọa vào cõi mê, lạc lối giữa chốn hồng trần, thì chỉ có con đường tu luyện mới giúp họ tìm lại bản nguyên và trở về với đạo.

Trên thực tế, núi Ngũ Hành trong Tây Du Ký cũng chỉ là một địa điểm được Ngô Thừa Ân nghĩ ra, mang tính biểu tượng chứ hoàn toàn không có thật ngoài đời.