Đường Tăng bị Phật Tổ Như Lai đày xuống trần gian chịu khổ 10 kiếp vì phạm phải tội lỗi không thể tha thứ
Đường Tăng là 'người được chọn' trong hành trình thỉnh kinh. Nhưng lý do khiến nhà sư này bị Phật Tổ Như Lai giáng xuống trần gian, trải qua 10 kiếp khổ cực gì?
Trong Tây Du Ký, Đường Tăng không chỉ là một nhà sư phàm tục mà còn có một thân thế phi thường. Ít ai biết rằng, kiếp trước của ông vốn là Kim Thiền Tử – đệ tử thứ hai của Phật Tổ Như Lai, người từng được ngưỡng mộ và tín nhiệm bậc nhất trong giới Phật giáo. Vậy điều gì đã khiến Kim Thiền Tử phải chịu hình phạt nghiêm khắc, giáng xuống hạ giới chịu khổ nạn suốt 10 iếp?
Trong nguyên tác Tây Du Ký, Phật Tổ từng nói: "Thánh Tăng, kiếp trước ngươi là đệ tử thứ hai của ta, tên Kim Thiền Tử. Bởi ngươi khinh mạn đại giáo, không chú tâm lắng nghe Pháp thuyết mà bị giáng chức, chuyển sinh vào Đông thổ. Nay ngươi đã cải đạo, thành tâm giữ gìn giới luật, đi thỉnh chân kinh, lập nhiều công đức, ta sẽ phong chức cho ngươi".
Kim Thiền Tử – với địa vị tôn quý bậc nhất trong giới Phật môn, là người gần gũi với Như Lai, lại phải chịu hình phạt giáng sinh xuống trần? Chỉ vì một tội danh "không chăm chú nghe giảng" nghe có vẻ quá nhẹ để phải trả giá nặng nề như vậy. Phải chăng ẩn sau sự việc này còn một bí mật sâu xa hơn?
Nhiều phân tích cho rằng, thực chất lỗi lầm của Kim Thiền Tử không đơn giản chỉ là bất kính trong lúc nghe Pháp, mà chính là sự hoài nghi giáo lý của Phật Tổ trong lòng. Sự hoài nghi này, nếu không kịp thời chấn chỉnh, có thể làm lay động căn cơ Phật pháp, gây chia rẽ trong tín ngưỡng, thậm chí ảnh hưởng cả giới Đạo giáo. Đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến Thiên đình và Phật giới buộc phải can thiệp, lên kế hoạch cho hành trình thỉnh kinh Tây Trúc.
Để có thể triệt tiêu hoàn toàn tâm hoài nghi, Kim Thiền Tử buộc phải trải qua mười kiếp trầm luân nơi trần thế, rèn luyện lòng thành tín và sự sùng đạo. Khi hóa thân thành Đường Tăng ở kiếp thứ mười, ông đã hoàn toàn thuần khiết về lòng tin, một lòng hướng Phật. Chính vì vậy, ông được ban cho nhiệm vụ trọng đại là thỉnh kinh từ Tây Thiên, đồng thời có sự hộ tống của bốn đồ đệ đặc biệt: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tịnh và Tiểu Bạch Long.
Nhìn từ một góc độ sâu sắc hơn, Tây Du Ký không chỉ là câu chuyện kỳ thú về cuộc hành trình đầy gian truân, mà còn là bản trường ca về sự chuộc tội và cứu rỗi. Cả năm thầy trò Đường Tăng đều từng là những thần tiên phạm sai lầm, phải chịu phạt bằng cách xuống trần hành đạo, trải qua trăm nghìn khổ nạn để chuộc lại lỗi lầm, phổ độ chúng sinh và cuối cùng được phục vị.