Gia Cát Lượng có một câu 'chửi thề' kinh điển hậu thế phải nể, mắng người nhưng không hề tục tĩu
Không chỉ là nhà quân sự có tài thao lược kinh bang tế thế, Gia Cát Lượng còn gây ấn tượng bởi cách dùng từ thâm thúy. Ông có một câu mắng người nhưng không hề sử dụng một lời tục tĩu nào.
"Văn nhân mặc khách" từ lâu đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho tầng lớp nho sĩ tài hoa trong lịch sử Trung Hoa. Đó là những con người thông tuệ Tứ thư, Ngũ kinh, tinh thông thi từ, ca phú. Họ vừa có thể "xuất khẩu thành thơ", vừa giữ được phong thái nhã nhặn, thanh cao, dù trong tranh luận hay khiển trách cũng tuyệt đối tránh lời lẽ thô tục. Thậm chí, lời mắng của họ đôi lúc khiến người nghe tưởng như đang được ngợi ca.
Trong nghệ thuật "mắng không lời tục" ấy, Gia Cát Lượng – vị quân sư thiên tài thời Tam Quốc chính là một trong những bậc thầy xuất sắc nhất.
Gia Cát Lượng, tên tự Khổng Minh, vốn là nhân vật đã trở nên quá quen thuộc từ tiểu thuyết đến màn ảnh. Mỗi lần xuất hiện, ông đều toát lên phong thái "tiên phong đạo cốt". Ông có gương mặt trắng trẻo, râu dài, đầu đội khăn lụa, thân khoác áo bào, tay phe phẩy quạt lông vũ. Hình tượng ấy biểu trưng cho sự thanh cao, trí tuệ siêu phàm, dường như có thể xoay chuyển càn khôn.
Trước khi ra giúp Lưu Bị, tiếng tăm của Gia Cát Lượng đã lan xa trong giới sĩ phu. Nhờ sự tiến cử của Tư Mã Huy, Lưu Bị đã cùng Quan Vũ và Trương Phi vượt núi băng rừng, ba lần đến tận nương gia tranh ẩn sâu trong núi Nam Dương để mời ông xuất sơn. Chỉ sau ba lần mời với thái độ khiêm cung thành khẩn, Lưu Bị mới giành được cái gật đầu của bậc kỳ tài.
Quả nhiên, có được Gia Cát Lượng, thế lực của Lưu Bị như hổ thêm cánh, từng bước gầy dựng một phần thiên hạ, dù khởi điểm hoàn toàn lép vế trước thế lực hùng mạnh của Tào Tháo và Tôn Quyền.
Tào Tháo xuất thân từ danh gia vọng tộc, gia đình ba đời làm quan cho triều Hán. Sau khi tiêu diệt Đổng Trác, Tào Tháo nắm đại quyền trong tay, lấy danh nghĩa "phò trợ thiên tử" để điều khiển thiên hạ, thực chất biến hoàng đế thành bù nhìn. Trái lại, Lưu Bị – thân phận hoàng tộc lưu vong, không có hậu thuẫn tài lực như Tôn Quyền hay quân sự như Tào Tháo – chỉ lấy "nhân nghĩa" làm gốc để chiêu hiền đãi sĩ. Chính tấm lòng nhân nghĩa ấy đã thu phục được những nhân tài như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân... và đặc biệt là Gia Cát Lượng – người được ngợi ca là "đa trí cận yêu" (mưu trí nhiều đến mức gần như yêu thuật).
Dẫu biết Lưu Thiện bất tài khi kế vị Lưu Bị, Gia Cát Lượng vẫn một lòng phò tá, tuyệt không có ý đồ tiếm quyền, sáu lần Bắc phạt với mưu đồ khôi phục nhà Hán.
Đặt lòng trung trọn vẹn vào chính nghĩa, Gia Cát Lượng luôn khinh thường những kẻ vì quyền lợi mà phản bội triều đình, nhất là Tào Tháo và hậu duệ Tào Phi. Khi Hán Hiến Đế bị Tào Phi phế truất và tự xưng hoàng đế, Gia Cát Lượng đã đích thân tìm gặp Đỗ Vi – một cựu thần nhà Hán, để thuyết phục ông ra phò tá nhà Thục.
Ban đầu, Đỗ Vi từ chối với lý do chỉ công nhận Hán Hiến Đế là minh quân chân chính. Trong lúc nóng giận nhưng vẫn giữ lễ độ, Gia Cát Lượng chỉ thẳng: "Tào Phi thoán nghịch, tự lập làm đế, chẳng khác nào thổ long trừ cẩu, chỉ có danh mà không thực".
Chỉ một câu nói, Gia Cát Lượng vừa ví Tào Phi như rồng đất – thứ chỉ để trang trí trong nghi lễ, vô thực lực, vừa như chó rơm – vật tế xong thì vứt bỏ, không còn giá trị. Qua đó, ông không chỉ phê phán hành vi tiếm ngôi, mà còn khéo léo khơi dậy lòng trung nghĩa và tinh thần trách nhiệm nơi Đỗ Vi.
Một lời hai mục đích: vừa mắng thẳng kẻ thoán nghịch, vừa khích lệ người hiền sĩ. Nghệ thuật dùng lời vừa thâm thúy vừa cao minh ấy quả thực đã cho thấy trí tuệ siêu phàm, xứng đáng với danh xưng "đa trí cận yêu" của Gia Cát Lượng.