Đời sống

Danh tính người đi xe máy lao xuống 'hố tử thần' không đáy ở Bắc Kạn, ám ảnh giây phút cuối cùng

Theo lời nhân chứng, thời điểm tối 26/5, người này nhìn thấy một chiếc xe máy di chuyển với tốc độ cao, lao thẳng xuống ‘hố tử thần’ sâu hàng chục mét.

Ngày 28/5, báo Người Lao Động cho biết, cơ quan chức năng huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đã xác định được danh tính của người đi xe máy rơi xuống hố sụt lún giữa tuyến quốc lộ 3B đoạn qua thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Người này là anh N.D.P (SN 1989), trú ở xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.

Khoảng 21 giờ 34 ngày 26/5, anh D di chuyển xe máy với tốc độ cao, tông sập hàng rào chắn bằng tôn, lao xuống hố sụt lún sâu hàng chục mét. Nghe tiếng động lớn, người dân đã lập tức chạy ra để xem tình hình nhưng không thấy người và xe đâu.

Ngay sau đó, cơ quan chức năng cũng đã có mặt. Ngày 27/5, camera dò dưới nước đã được sử dụng, kết hợp với bơm nước hạ thấp mực nước để cải thiện tầm nhìn. Sau khi mực nước giảm, đội cứu hộ đã treo dây tiếp cận các hốc sâu, nghi là nơi anh D có thể bị kẹt. Tuy nhiên, đến chiều 28/5 vẫn chưa tìm thấy anh D.

Công tác cứu hộ có sự hỗ trợ của rất nhiều đơn vị chuyên môn, các thiết bị hiện đại và thủ công như camera chuyên dụng, các công cụ cơ khí, máy bơm dã chiến…

ho-tu-than-bac-kan-6
Hố tử thần lan rộng ở Bắc Kạn do đá vôi bị hòa tan, trần hang ngầm sụp đổ. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Thông tin từ báo Lao Động, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản có đánh giá sơ bộ rằng, khu vực xảy ra hiện tượng sụt lún ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, nằm trong vùng phân bố đá trầm tích lục nguyên xen lẫn đá vôi hoặc dolomit – loại đá có gốc carbonat, rất dễ bị hòa tan trong điều kiện tự nhiên.

Cấu trúc địa chất tại đây gồm lớp bề mặt là vật chất phong hóa như cát, cát pha, sét pha – có độ bền kém, trạng thái bở rời, dày khoảng 3 đến 5 mét. Bên dưới là tầng đá vôi màu xám đã bị phong hóa và nứt nẻ mạnh, tạo điều kiện cho hệ thống hang hốc karst chứa nước phát triển.

ho-tu-than-bac-kan-7
Hố tử thần khổng lồ án ngữ trên đường Quốc lộ 3B đoạn qua huyện Na Rì, Bắc Kạn. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Cơ chế hình thành sụt lún được lý giải do nước mưa thẩm thấu qua đất, kết hợp với CO₂ trong không khí tạo thành axit carbonic yếu, từ đó hòa tan dần đá vôi theo thời gian. Quá trình này bắt đầu từ những khe nứt nhỏ, sau đó hình thành các khoang rỗng lớn ngầm dưới mặt đất. Khi áp lực nước ngầm suy giảm, đặc biệt là do hoạt động khai thác nước dưới đất quá mức, trần của các khoang rỗng này dễ sụp đổ, kéo theo hiện tượng sụt lún mặt đất.

Ngoài yếu tố địa chất, Viện cũng cảnh báo rằng các khu vực như đường giao thông có mật độ xe trọng tải lớn, hay các công trình xây dựng quy mô lớn có thể làm tăng nguy cơ sụt lún do ảnh hưởng từ tải trọng cơ học lên nền đất yếu.

ho-tu-than-bac-kan-8
 Cấu trúc ngầm karst phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục sụt lún. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Trước diễn biến phức tạp, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã kiến nghị địa phương sớm triển khai một số biện pháp khẩn cấp như:

Khoanh vùng nguy hiểm, dựng hàng rào và biển cảnh báo tại các điểm đã xảy ra sụt lún và những khu vực có dấu hiệu bất thường như nứt nền đất, lún móng nhà, biến dạng mặt đường.

Áp dụng giải pháp lấp đầy các khoang rỗng bằng đất đá, xi măng hoặc bê tông, đồng thời gia cố bề mặt bằng kết cấu vững chắc như bê tông cốt thép hoặc cọc nhồi.

Khuyến cáo người dân tạm dừng hoặc giảm thiểu khai thác nước ngầm ở những khu vực gần khu dân cư để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún.