Khám phá mới

2 cao nhân kiệt xuất của Việt Nam tài năng sánh ngang Khổng Minh, Khương Tử Nha, nghe tên ai cũng nể

2 cao nhân kiệt xuất của Việt Nam tài năng sánh ngang Khổng Minh, Khương Tử Nha, nghe tên ai cũng nể

Nếu Trung Quốc có những nhà quân sư lỗi lạc như Khổng Minh, Khương Tử Nha, Tôn Tẫn thì Việt Nam chúng ta cũng có những nhân vật kiệt xuất không kém.

Trong lịch sử Trung Quốc có những cao nhân sở hữu khả năng tiên đoán mọi việc vô cùng chuẩn xác, là quân sư thông thái trong thời kỳ mình sống. Điểm danh qua có thể kể đến Gia Cát Lượng, Tôn Tẫn, Khương Tử Nha, Tư Mã Ý, Giả Hủ…

Có thể nhiều người không biết nhưng ở Việt Nam cũng có 2 vị quân sư lỗi lạc, kiệt xuất không kém. Họ đều là những danh nhân hàng đầu, những cái tên mà hầu như người Việt Nam nào cũng biết đến hoặc từng nghe qua.

Đầu tiên chính là Nguyễn Trãi (1380 – 1442). Ông sinh thời là người Hải Dương, nhưng chuyển đến tỉnh Hà Đông (cũ) sinh sống. Sinh ra trong một gia đình tri thức, có nền tảng quý tộc, Nguyễn Trãi từ nhỏ đã được rèn giũa về nhân cách lẫn chuyện học hành.

quan-su-1
Tranh chân dung Nguyễn Trãi. Ảnh: Internet

Nguyễn Trãi nổi tiếng với kiến thức uyên thâm, là người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Ông từng đỗ Thái Học sinh, làm quan dưới thời nhà Hồ. sau này Nguyễn Trãi đi theo vua Lê Lợi, bắt đầu phò trợ vị thủ lĩnh này giành lại đất nước.

Lúc bấy giờ, Nguyễn Trãi đã trao cho thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn quyển “Bình Ngô sách” do mình viết. Trong đó có 3 kế sách đánh quân Minh. Cuốn sách này khiến Lê Lợi vô cùng tâm đắc, lập tức phong ông chức Tuyên phong đại phu – Thừa chỉ Hàn Lâm viện. Nguyễn Trãi từ đó được dự bàn việc quân, trù hoạch mưu lược và viết thư thảo hịch.

quan-su-2
Nguyễn Trãi là một trong những quân sư giúp Lê Lợi giành lại được giang sơn Đại Việt. Ảnh minh họa: Internet

Nhiều sách lược đúng đắn của Nguyễn Trãi khi đó đã giúp cho sự nghiệp của nghĩa quân Lam Sơn thành công, diệt hết quân Minh, giành lại Đại Việt, thành lập nhà Lê.

Sau chiến thắng quân Minh, vua Lê đã giao cho Nguyễn Trãi viết “Bình ngô đại cáo”. Đây được xem như tuyên ngôn độc lập của nước ta thời điểm ấy. Xong xuôi sự nghiệp phò trợ vua Lê đánh giặc, Nguyễn Trãi lại xin về quê ở ẩn. Đáng tiếc là về sau gia tộc ông gặp họa tru di tam tộc vì đại án Lệ Chi Viên.

Người thứ hai là Đào Duy Từ (1572 – 1634). Vị cao nhân này xuất hiện sau Nguyễn Trãi 3 thế kỷ, sống ở thời chúa Nguyễn. Ông được đánh giá là bộ óc vĩ đại bậc nhất nước ta lúc bấy giờ.

Đào Duy Từ mồ côi cha từ nhỏ, nhưng sớm bộc lộ sự thông minh hơn người. Năm 21 tuổi ông đã đỗ giải Á nguyên trong khoa thi Hương, khiến giám khảo khen tấm tắc bài thi luận ở kỳ thi hội.

quan-su-4
Bia tiểu sử Đào Duy Từ mặt trước tại đền thờ Đào Duy Từ, thôn Cự Tài, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Internet

Sự nghiệp của Đào Duy Từ gây ấn tượng nhất là khi vào Đàng Trong lập thân. Ông là người nói gì Chúa Sãi cũng nghe theo. Thời đó, Chúa Nguyễn từng tuyên bố: “Đào Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay”.

Vị quân sư tài giỏi này đã giúp Chúa Nguyễn giành được chiến thắng trước 2 cuộc chiến tranh Đàng Trong và Đàng Ngoài (1627 và 1630). Ông còn nhìn xa trông rộng, cho đắp lũy Thầy vô cùng kiên cố, về sau chính lũy này đã chặn được quân Trịnh trong 7 lần giao tranh.

Thời nhà Nguyễn trải qua 9 chúa 13 vua, đời nào cũng ca ngợi công lao của Đào Duy Từ. Ông được đưa ra làm hình mẫu cho bậc kỳ tài, hết lòng hết sức vì đất nước.

quan-su-3
Đào Duy Từ là người chỉ đạo đắp lũy Thầy. Ảnh minh họa: Internet

Cả Nguyễn Trãi và Đào Duy Từ đều là những nhân tài nổi tiếng, được hậu thế hiện nay kính nể. Trên khắp mọi miền Tổ quốc ta có rất nhiều địa danh được đặt theo tên của hai vị cao nhân này. Tài năng của Nguyễn Trãi và Đào Duy Từ luôn là niềm tự hào của Việt Nam, không hề thua kém những Khương Tử Nha, Khổng Minhh, Tôn Tẫn của Trung Quốc năm xưa.