Khám phá mới

Vị tướng tài có lần bị Bác gọi lên phê bình: Là cận vệ đầu tiên của Người, tư lệnh nổi tiếng trong quân đội

Vị tướng tài có lần bị Bác gọi lên phê bình: Là cận vệ đầu tiên của Người, tư lệnh nổi tiếng trong quân đội

Lần bị Bác Hồ gọi lên nói chuyện, phê bình năm 1963 đã để lại cho vị tướng này nhiều bài học. Cũng từ đó mà ông rút kinh nghiệm sâu sắc, cẩn trọng hơn trong công tác chiến đấu.

Xứ Đoài (tên gọi cổ chỉ vùng đất phía Tây Hà Nội) nổi tiếng địa linh nhân kiệt khi sản sinh ra nhiều người con ưu tú. Xưa kia nơi đây là quê hưởng của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Ngô Vương Quyền, trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cùng nhiều thi sĩ nổi tiếng. Ngoài ra, Xứ Đoài còn có một người con tài năng xuất chúng trong quân sự: Thượng tướng Phùng Thế Tài.

Tướng Phùng Thế Tài nằm trong thế hệ đầu tiên của cách mạng nước ta. Ông được đào tạo bài bản, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn cách mạng còn non trẻ, đồng chí Phùng Hữu Tài là người cận vệ đầu tiên bảo vệ Bác Hồ. Cũng chính Bác đã đặt cho ông cái tên Phùng Thế Tài, nhắc nhở phải luôn khiêm nhường, không được kiêu căng.

thuong-tuong-phung-the-tai-7
Thượng tướng Phùng Thế Tài. Ảnh tư liệu

Dù là võ tướng nổi tiếng tài năng, nhưng đồng chí Phùng Thế Tài cũng từng bị Bác gọi lên phê bình. Chuyện xảy ra vào năm 1963. Ngày 11/8/1963, Mỹ ngang nhiên cho chiếc máy bay trinh sát phản lực RF101 bay lượn nhiều vòng trên bầu trời Hà Nội. Bấy giờ Bộ đội Phòng không đã nhận được lệnh chiến đấu. Tuy nhiên ra đa lại không bắt được mục tiêu nên không thể hành động.

Lần thứ hai RF101 bay lượn, Đại đội 109, Trung đoàn 220, Đại đội 130 của Trung đoàn 260 đã tổ chức tấn công. Hàng loạt đạn 100mm được bắn lên nhưng không trúng mục tiêu. Lần đầu tiên sau 10 năm, Hà Nội lại nghe thấy tiếng đạn pháo rền vang trời. Tư lệnh Bộ tư lệnh Phòng không Phùng Thế Tài vì chuyện đó mà trăn trở cả đêm không ngủ nổi.

tuong-phung-the-tai-1
Ảnh tư liệu

Dĩ nhiên, Bác Hồ nhanh chóng biết chuyện. Theo lời kể của chính tướng Phùng Thế Tài, hai tiếng sau có người hớt hải đến tìm ông: “Báo cáo tư lệnh, Bác Hồ gọi tư lệnh ạ!”. Ông đoán trước sẽ bị Người trách mắng. Nhưng khi nghe máy, phía bên kia Bác lại vui vẻ: “Chú Tài đấy à! Nghe nói chú vừa dùng đạn đại cao bắn chim phải không? Được con nào, sáng mai đưa lên cho Bác ăn với… Sáng mai 6 giờ 30 phút nhé. Nói với chú Kỳ, Bác hẹn đột xuất”.

Đúng hẹn, sáng hôm sau đồng chí Phùng Thế Tài lên gặp Bác. Vừa thấy ông, Bác hỏi ngay về việc hàng chục viên đạn đại cao được bắn đi ngày hôm qua. Vị tư lệnh này đứng im, hổ thẹn không thốt nên lời. Bác hỏi rõ: “Tất cả bao nhiêu viên, chú nắm được không?”. Đồng chí Tài đáp: “Dạ, 45 viên ạ”.

tuong-phung-the-tai-2
Ảnh tư liệu

Bác liền phân tích: “Bác nghe nói mỗi viên đạn 100mm hôm qua chú bắn vung vãi lên trời có thể nuôi sống 1 gia đình trung nông trong 1 năm. Như vậy 45 viên thì giá trị bao nhiêu? Chú còn nhớ không, từ khi Bác giao nhiệm vụ cho chú làm Tư lệnh bộ đội Phòng không, mấy lần nghe chú báo cáo tình hình thì tưởng đâu là Mỹ nó vào là chú thịt nó được ngay, thế mà hôm qua giữa thanh thiên bạch nhật nó ngang nhiên “biểu diễn” trên đầu chú như vậy thì chú lại dùng đạn của nhân dân để “bắn chào chúng”.

Chú nói ít thôi, khoe khoang ít thôi mà làm thật nhiều, thật hiệu quả chứ. Nước ta còn nghèo, chú cứ cho lệnh bắn lên trời phung phí như vậy mà không rơi chiếc máy bay nào thì có lỗi với nhân dân lắm”. (Nguồn: Tuổi Trẻ Bình Định, Arttimes).

tuong-phung-the-tai-3
Ảnh tư liệu

Với Thượng tướng Phùng Thế Tài, đây là bài học nhớ đời. Nó vừa khiến ông xấu hổ, băn khoăn, lại vừa thúc giục phải nhanh chóng khắc phục những khuyết điểm, yếu kém của mình. Về sau, khi hợp nhất 2 lực lượng Phòng không – Không quân, Bác vẫn giao cho đồng chí Phùng Thế Tài làm Tư lệnh. Ông trở thành vị tư lệnh đầu tiên của đơn vị này.

Theo Tuổi Trẻ Bình Định, Arttimes