Khám phá mới

Vị Đại tướng được ví là Zhukov Việt Nam: Từ chối biệt thự riêng được cấp, đánh trận lẫy lừng lịch sử dân tộc

Vị Đại tướng được ví là Zhukov Việt Nam: Từ chối biệt thự riêng được cấp, đánh trận lẫy lừng lịch sử dân tộc

Nói về vị tướng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận định ông là “một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam qua các thời đại”. Thậm chí người bị ông đánh bại cũng cảm thấy tự hào khi được làm bại tướng dưới tay một nhân vật kiệt xuất như vậy.

Trong số các vị tướng Việt Nam thời hiện đại, người được mệnh danh đánh trận giỏi nhất phải kể đến Đại tướng Lê Trọng Tấn. Ông là người gắn với những chiến công hiển hách, vang danh thế giới như Biên giới (1950), Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954), Đường 9 - Nam Lào (1971), Trị Thiên (1972), Đà Nẵng (1975), Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975...

Đại tướng Lê Trọng Tấn đã trở thành danh tướng huyền thoại, được nhiều người yêu mến ví với vị tướng lừng danh của Hồng quân Liên Xô trong thế chiến thứ 2- Zhukov.

Nói về người bạn chiến đấu thân thiết này của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ: “Tướng Lê Trọng Tấn là một trong những tư lệnh chiến dịch, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng giỏi nhất của Quân đội ta”, hay “Đây là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam qua các thời đại”.

dai-tuong-le-trong-tan-1
Đại tướng Lê Trọng Tấn. Ảnh tư liệu

Chiều 7/5/1954 là một buổi chiều lịch sử với cả dân tộc khi Đại đoàn 312 của quân ta dã tiến công vào Sở chỉ huy của Pháp và bắt sống tướng De Castries cùng Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau này nói về ngày hôm đó, De Castries thú thật mình thấy rất tự hào khi được làm bại tướng dưới tay tướng Lê Trọng Tấn và đại đoàn của ông.

Đại tướng Lê Trọng Tấn tên thật là Lê Trọng Tố (1914-1986), quê ở Yên Nghĩa, Hoài Đức, Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội). Ông sinh ra trong một gia đình gia giáo, từng theo học ở ngôi trường danh giá bậc nhất Hà Thành là Trường Bưởi – Hà Nội. Cậu bé Lê Trọng Tố khi đó nổi tiếng vừa học giỏi lại vừa chơi thể thao rất cừ.

Về sau, đồng chí Lê Trọng Tố có thời gian nhập ngũ làm lính khố đỏ, nhưng được bà Bích Vân (tức Hoàng Ngân – Xứ ủy Bắc Kỳ) làm công tác binh vận đã tham gia Việt Minh, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1945, trở thành Ủy viên quân sự Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh Hà Đông.

dai-tuong-le-trong-tan-4
Tướng Lê Trọng Tấn nghiên cứu tình hình chiến trường miền Nam (năm 1965). Ảnh tư liệu

Xuyên suốt quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Lê Trọng Tấn đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội. Là vị tướng của trận mạc, cuộc đời của tướng Lê Trọng Tấn gắn với nhiều chiến dịch đi vào lịch sử. Thậm chí khi hòa bình đã lập lại ở Việt Nam, ông vẫn không nghỉ ngơi mà tiếp tục chỉ huy các lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam rồi sau này là biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Danh tiếng là vậy, uy nghiêm là vậy, nhưng kỳ lạ là Đại tướng Lê Trọng Tấn lại không có nhà riêng. Nói về cha mình, GS – TS Lê Đông Hải – Nguyên Viện trưởng Phân viện Kỹ thuật quân sự 2 ở TP.HCM từng chia sẻ với NLĐ: “Cả một đời cha tôi, không để lại một chút tài sản, nhà cửa, đất đai nào, vì ông cụ chưa bao giờ nhận cho mình nhà riêng, đất riêng. Nhưng cha tôi đã để lại một sự nghiệp rất to lớn và đạo lý làm người để cho con cháu đời đời noi theo. Những biệt thự được cấp, ông đều từ chối nhận và trả lại cho Nhà nước, quân đội. Lúc nào bên mình ông cũng kè kè một cái ba lô và bên trong lúc nào cũng sẵn chiếc võng dù”.

dai-tuong-le-trong-tan-2
Vợ chồng Đại tướng Lê Trọng Tấn với con trai Lê Đông Hải. Ảnh tư liệu

Quả thật vậy, sau khi miền Nam được giải phóng, Đại tướng luôn kín lịch làm việc, không có thời gian dành cho gia đình. Mới đầu gia đình ông sống trong ngôi nhà nhỏ 48m2 ở số 36 Hoàng Diệu, Hà Nội cùng với các vị như Vương Thừa Vũ, Tạ Quang Bửu, Đặng Kính…

Về sau Đại tướng liên tục vào chiến trường, con trai thì đi du học ở Liên Xô và công tác tại đơn vị Bộ đội Hóa học. Nhà chỉ còn một mình nên vợ ông đã chuyển về khu nhà ngang tại 36C, Lý Nam Đế sống cùng anh em để tiện tăng gia sản xuất.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, mọi người tìm những căn biệt thự sang trọng của giới chóp bu lãnh đạo chế độ Sài Gòn cũ cho Đại tướng Lê Trọng Tấn cùng gia đình ở nhưng ông đều từ chối. Mãi ông mới đồng ý về ở nhà số 2 đường Cửu Long (cư xá gần sân bay), rộng khoảng 30m2.

dai-tuong-le-trong-tan-3
Đồng chí Lê Trọng Tấn (thứ hai, từ trái sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ trao đổi công việc. Ảnh tư liệu

Không đành lòng để Đại tướng ở nơi chật hẹp như vậy, tranh thủ khi ông đi họp ở Hà Nội, anh em Quân đoàn 4 đã cho xe đến “dọn nhà” cho Đại tướng đến biệt thự 195 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đường Công Lý cũ). Về đến nơi thì sự đã rồi, tướng Lê Trọng Tấn đành chấp nhận ngoài mặt dù trong lòng không hài lòng.

Được một thời gian, ông chuyển về lại nhà số 2 Cửu Long ở, còn biệt thự ở Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì giao cho Giám đốc Sở Lao Động – Thương binh và Xã hội TP để tiện lo cho thương bệnh binh. Anh em trong Quân khu 7 lại tìm cách thuyết phục, áp dụng luôn cả “nguyên tắc” để đưa ông về ở biệt thự số 126 đường Pasteur.

Để mọi người vui lòng, tướng Lê Trọng Tấn đồng ý. Nhưng “ở tạm” không lâu rồi ông lại vác đồ về lại số 2 Cửu Long. Đến đó thì ai nấy đều đành chịu thua Đại tướng và để ông ở tại căn nhà nhỏ hẹp đó. Cho đến khi qua đời, Đại tướng Lê Trọng Tấn vẫn sống tại số 2 Cửu Long. Về sau, căn nhà đã được cấp cho người khác…

Theo NLĐ