Khám phá mới

Vị Đại tướng tài ba bậc nhất - là học trò xuất sắc của Bác Hồ, tên được đặt cho nhiều địa danh ở Việt Nam

Vị Đại tướng tài ba bậc nhất - là học trò xuất sắc của Bác Hồ, tên được đặt cho nhiều địa danh ở Việt Nam

Ngày 1/1/2024 là tròn 110 năm ngày sinh của vị Đại tướng này. Sinh thời, ông là người học trò xuất sắc, được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bí danh. Bí danh đó vô cùng nổi tiếng, nay là tên của nhiều địa danh ở Việt Nam.

Trong số những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là cái tên nổi bật hàng đầu. Ngày 1/1/2024 chính là tròn 110 năm ngày sinh của Đại tướng. Nói về ông là nói về một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị Đại tướng tài ba, yêu nước, thương dân.

dai-tuong-nguyen-chi-thanh-9

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh tư liệu

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sinh ra ở làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tên thật của ông là Nguyễn Vịnh. Năm 1934, chàng trai trẻ Nguyễn Vịnh khi đó đã bắt đầu tham gia cách mạng. Chỉ 3 năm sau ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam). Đến năm 1938 ông đã là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Trong quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1938 – năm 1945, đồng chí Nguyễn Vinh đã 3 lần bị địch bắt, giam giữ ở những nhà tù khắc nghiệt như: Nhà lao Thừa Phủ, nhà tù Lao Bảo, nhà đày Buôn Mê Thuột. Thế nhưng, bất chấp phải chịu cảnh tra tấn, tù đày gian khổ ra sao, ông vẫn giữ vững tinh thần kiên cường, bất khuất của một người cộng sản.

dai-tuong-nguyen-chi-thanh-8
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong chuyến thăm Tiệp Khắc. Ảnh: Gia đình cung cấp

Tháng 3/1945, đồng chí Nguyễn Vịnh được trả tự do và trở lại hoạt động cách mạng. 5 tháng sau, ông thay mặt tổ chức Đảng ở Trung Kỳ ra Việt Bắc dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tại đây, Bác Hồ đã đặc biệt đặt cho ông bí danh Nguyễn Chí Thanh. Bí danh đó theo vị tướng này suốt quãng đời về sau, lưu danh sử sách đất nước. Cũng trong lần đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được bầu vào BCH Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.

Trở về Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tiếp tục lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, thành lập chính quyền cách mạng. Ông còn đặc biệt tổ chức khởi nghĩa và thành lập chính quyền cách mạng ở Huế (đầu não của chính quyền phong kiến Nam Triều).

dai-tuong-nguyen-chi-thanh-7
Vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thị Cúc tại Hà Nội, năm 1957. Ảnh tư liệu

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người có đóng góp to lớn vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau này, nhờ sự xuất sắc của mình, ông được Bác Hồ tặng danh hiệu “Vị tướng du kích” và giao cho nhiều vị trí công tác trong Quân đội.

Năm 1959, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng, trở thành vị Đại tướng thứ hai được phong trong Quân đội ta.

Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được giao nhiệm vụ rất quan trọng là làm Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương. Ở vị trí này, ông không ngại khó, vất vả, sẵn sàng đến với nông dân, có mặt tại các hợp tác xã, nông trường để tìm hiểu tình hình, đưa nông nghiệp miền Bắc phát triển vượt bậc, vững chắc. Cũng bởi vậy mà về sau người dân yêu mến gọi ông là “Đại tướng của nông dân”.

dai-tuong-nguyen-chi-thanh-2
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tăng gia sản xuất tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh tư liệu
dai-tuong-nguyen-chi-thanh-4
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tham gia tăng gia sản xuất tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1966). Ảnh tư liệu

Đến những năm 1964 – 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam gặp rất nhiều khó khăn. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lại nhận nhiệm vụ vào chiến trường giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Quân ủy Miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Ông trở thành đại diện của Bộ Chính trị ở chiến trường, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam.

Những khẩu hiệu nổi tiếng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như: “Bám thắt lưng địch mà đánh”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” hay chủ trương xây dựng các “vành đại diệt Mỹ” đã quá nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

dai-tuong-nguyen-chi-thanh-6
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng vợ - bà Nguyễn Thị Cúc và con trai Nguyễn Chí Vịnh tại nhà số 34 Lý Nam Đế năm 1963. Ảnh tư liệu

Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là biểu tượng sáng ngời của một người nông dân xứ Huế trở thành một nhà lãnh đạo cách mạng, một danh tướng của thời đại Hồ Chí Minh. Ngày nay, trên khắp mọi miền Tổ quốc có nhiều con đường, ngôi trường mang tên vị Đại tướng tài ba này. Ở thành phố Huế còn có một nhà tưởng niệm ông.

Theo Báo CAND