Khám phá mới

Thân thế vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam: Là huyền thoại sống, có biệt danh kỳ lạ

Thân thế vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam: Là huyền thoại sống, có biệt danh kỳ lạ

Trong số những vị tướng tài đức vẹn toàn của Việt Nam xưa đến nay, có một nhân vật nổi lên với biệt danh “tướng độc nhãn” (nôm na là “tướng một mắt”). Ông là người từng được Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ với câu nói: “Bác giao Nam Bộ cho chú”. Ngoài ra, đây cũng là vị trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cấp hàm của ông từng chỉ đứng sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ấy thế nhưng nhiều người trẻ ngày nay vẫn còn khá lạ lẫm khi đến đến tên ông. Có lẽ lý do bởi vị tướng này hi sinh quá sớm, khi đất nước còn chưa hòa bình. Nhưng nếu lật lại những trang sử hào hùng, chắc chắn ai cũng phải nghiêng mình nể phục tài đức, con người ông. Người được nhắc đến ở đây chính là Trung tướng Nguyễn Bình.

trung-tuong-nguyen-binh-3
Trung tướng Nguyễn Bình (1908 - 1951). Ảnh chụp năm 1950 tại Đồng Tháp Mười. Ảnh tư liệu

Trung tướng Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo (SN 30/7/1908), quê ở thôn Yên Phú, xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Sinh ra trên mảnh đất thuần nông nhưng lớn lên Nguyễn Bình đã đi xa và bắt đầu hoạt động cách mạng từ rất sớm. Ông từng bị đày ra Côn Đảo cùng thời gian với đồng chí Nguyễn Văn Linh. Thời điểm đó Nguyễn Bình vẫn là thành viên Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học. Nhưng sau thời gian ngồi tù, ông được bạn tù cộng sản giác ngộ.

1 năm sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Bình được kết nạp Đảng và được Bác Hồ giao trọng trách vào miền Nam lo chỉnh đốn phong trào kháng chiến, thống nhất các lực lượng vũ trang trong đó. Cũng từ thời điểm này, ông chính thức làm đảng viên Cộng sản.

Ngày 21/3/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 18-SL cử Nguyễn Bình làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam. Ngoài ra, ông còn được phong quân hàm Trung tướng, trở thành trung tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam, làm Tổng chỉ huy chiến trường Nam Bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ.

trung-tuong-nguyen-binh-4
Bác Hồ và các đồng chí Phạm Văn Đồng (đứng bên trái), Võ Nguyên Giáp (bên phải), Nguyễn Bình (giữa) trước ngày đồng chí Nguyễn Bình nhận nhiệm vụ vào Nam chỉ huy lực lượng vũ trang chống Pháp (cuối năm 1945). Ảnh tư liệu

Sinh thời, Trung tướng Nguyễn Bình có biệt danh “Tướng độc nhãn” (nôm na là “Tướng một mắt”). Nguồn cơn của cái tên đặc biệt này đến từ một sự kiện thanh trừng khi ông bị lưu đày ở Côn Đảo (1930 – 1935). Cháu ruột Tướng Nguyễn Bình – Nguyễn Thế Tường viết trong cuốn “Trung tướng Nguyễn Bình”, NXB Quân đội nhân dân, 2001: “Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Phương Thảo (tức Nguyễn Bình), Trần Huy Liệu... đứng hàng đầu trong danh sách phải bị thanh trừng về tội phản đảng. Nhóm Quốc dân đảng cực đoan đã dùng dao cắt cổ Tưởng Dân Bảo và Trần Huy Liệu, may là được các bạn tù cứu thoát nên chỉ bị thương. Còn Nguyễn Phương Thảo bị đâm hỏng một mắt trái”.

Sau sự kiện đó, Tướng Nguyễn Bình có nói một câu nổi tiếng: “Tuy mất một con mắt nhưng tôi lại thấy sáng hơn khi còn hai con mắt”. Đại ý của ông là nhờ cách hành xử của những người mang danh “đồng đội cũ” của nhóm tù Quốc dân đảng thủ cựu ở Côn Đảo mà ông đã hiểu ra chân lý, càng vững tin hơn vào sự chuyển hướng của mình.

trung-tuong-nguyen-binh-2
Từ trái qua: các đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, Lê Duẩn, Nguyễn Bình và Dương Quốc Chính tại chiến khu Đ. Ảnh tư liệu

Nhắc đến Tướng Nguyễn Bình là phải nhắc đến trận đánh chiếm Đồn Bần (Bần Yên Nhân – Hưng Yên). Đây là dấu mốc sáng chói trong sự nghiệp của ông, thể hiện tài chỉ huy quân sự của vị tướng này. Khi đó, ông đã có ý tưởng sáng tạo là cải trang thành tốp lính Nhật để chiếm Đồn Bần. Sau này nhắc lại, người dân bản địa vẫn không tiếc lời khen quân đội ta đánh “vào đồn như đi chợ”, “xuất quỷ nhập thần”.

Đáng tiếc, dù là người có đủ tài, trí, đức, nhưng Trung tướng Nguyễn Bình lại hy sinh khá sớm. Tháng 9/1951, trên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ, ông bị Pháp phục kích và nằm xuống ở tỉnh Xtung Treng, Campuchia. Về sau vị tướng này trở thành người đầu tiên trong quân đội được truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất. Cùng với đó, ông còn nhận Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Nói về người đồng chí của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: “Trung tướng Nguyễn Bình là một vị tướng có công lao lớn với quân đội và nhân dân, không những ở Chiến khu Đông Triều mà cả trong thời kỳ đảm nhiệm trọng trách ở Nam Bộ. Chính tôi, theo chỉ thị của Bác đã trực tiếp nói chuyện với đồng chí và chuyển lệnh nhận nhiệm vụ vào miền Nam. Đồng chí đã phấn khởi và đã khẩn trương lên đường vào miền Nam và đã có cống hiến quan trọng trong nhiệm vụ mới”.

Theo CAND

 

Thân thế vị đại tướng đầu tiên của Công an Nhân dân Việt Nam: 17 tuổi vào Đảng, là vị lãnh đạo xuất sắc

Tham gia cách mạng từ rất sớm, 17 tuổi đã được kết nạp Đảng, sự nghiệp lừng lẫy của vị đại tướng này nhận được sự ngưỡng mộ của rất nhiều người. Xuyên suốt quá trình làm việc của mình, ông được đánh giá là một vị lãnh đạo vì nước, vì dân.