Đời sống

Người đàn ông mất vợ và 3 con trong lũ quét Làng Nủ: Ở nhà mới khang trang nhưng cô đơn trong nỗi nhớ

Sau gần một năm xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, Làng Nủ (Lào Cai) đã hồi sinh với những ngôi nhà kiên cố, đời sống ổn định. Nhưng đằng sau đó, nỗi đau mất mát vẫn còn hiện rõ trong ánh mắt những người ở lại.

Những ngày gần đây, mưa lớn kéo dài ở Tây Bắc khiến người dân sống tại các vùng núi thấp thỏm. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia liên tục phát cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Tại phường Yên Bái (Lào Cai), một vụ sạt lở mới đây khiến em học sinh 15 tuổi tử vong trong đêm.

Làng nủ hồi sinh. Ảnh: Đức Hoàng

Tại Làng Nủ (xã Phúc Khánh, Lào Cai), nơi từng xảy ra trận lũ quét kinh hoàng tháng 9/2024, cuộc sống người dân đã dần ổn định. Những dãy nhà mới khang trang, vườn hoa nở rộ, người dân bắt đầu tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, nỗi lo sợ vẫn dai dẳng mỗi khi trời chuyển mưa, hay có tin báo bão từ báo đài. 

Anh Hoàng Văn Nhầm (38 tuổi), sống ở căn nhà số 33, vị trí cao nhất làng, là một trong những người chịu mất mát lớn nhất sau trận lũ. Vợ và ba con anh đã mãi ra đi chỉ trong một buổi sáng.

"Nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi nhưng ở có một mình cũng buồn lắm, chỉ có tivi làm bạn. Nhất là những ngày trời mưa là ký ức buồn lại ùa về. Tiếng mưa rơi lên mái tôn kêu lộp độp, cảm giác lồng ngực cũng đập nhanh hơn, vừa sợ vừa nhớ vợ, nhớ con”, anh bùi ngùi chia sẻ. Sau biến cố, anh phải mất ba tháng điều trị và phục hồi. Sau đó, anh học lái xe và mở quán nước nhỏ tại TP Lào Cai, thu nhập khoảng 4–5 triệu/tháng.

“Giờ ở một mình, ăn uống, sinh hoạt không hết bao nhiêu, kinh tế tạm ổn, tôi cũng chỉ mong có việc làm thường xuyên, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, đặc biệt là về tinh thần", anh nói.

Anh Nhầm đau lòng nhớ về vợ con. Ảnh: Đức Hoàng

 

Theo ông Hoàng Văn Diệp, trưởng thôn Làng Nủ, toàn bộ dân cư đã được bố trí nơi ở mới kiên cố. Một số hộ đã tìm được việc làm, số khác chuẩn bị lên đường mưu sinh sau khi sắp xếp gia đình. Trong làng còn mở lớp dạy thêu thu hút khoảng 50 học viên, chủ yếu là phụ nữ. Nếu học đủ 26 công mỗi tháng, mỗi người có thể nhận khoảng 5 triệu đồng.

Trưởng thôn Hoàng Văn Diệp. Ảnh: Đức Hoàng 

 

Dù đã có làng mới, có nhà mới, nhưng ký ức cũ và nỗi đau vẫn chưa thể nguôi ngoai. "Mỗi căn nhà đều được quy hoạch vườn tăng gia sản xuất, cơ bản cuộc sống kinh tế của bà con trong làng đã đảm bảo. Nhưng nói gì thì nói, nỗi buồn về tinh thần vẫn chưa thể nguôi ngoai một sớm một chiều được", ông Diệp trải lòng.