Lợi dụng bi kịch lật tàu Vịnh Xanh 58 để câu view: Hành vi 'vô cảm' này có thể vào tù?
Sau thảm kịch lật tàu Vịnh Xanh 58 khiến hàng chục người thương vong tại Vịnh Hạ Long, nhiều tài khoản ẩn danh đã sử dụng hình ảnh giả, thông tin bịa đặt để câu view, bất chấp đạo đức và pháp luật. Hành vi này đang bị cộng đồng lên án mạnh mẽ và có thể bị xử lý hình sự.
Vụ tai nạn lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 (QN-7105) xảy ra chiều 19/7 tại vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã khiến cả nước bàng hoàng. Hậu quả khiến 35 người thiệt mạng, 4 người mất tích và 10 người may mắn được cứu sống.
Trong lúc người dân cả nước đang hướng về Hạ Long với niềm tiếc thương sâu sắc, một số cá nhân lại lợi dụng nỗi đau này để câu view câu like bằng các thủ đoạn tinh vi trên mạng xã hội.
Những đối tượng này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dựng ảnh, giả lập lại các cảnh tượng thương tâm: cảnh người rơi khỏi tàu, biểu cảm hoảng loạn của nạn nhân... Những hình ảnh này được cắt ghép tinh vi, đính kèm với tiêu đề gợi cảm xúc mạnh nhằm đánh vào sự tò mò của người đọc.
Đặc biệt, nhiều tài khoản còn áp dụng chiêu trò “giấu nội dung thật”, dẫn link “đọc tiếp ở bình luận”, “xem chi tiết tại trang này” để kéo người dùng về các website chứa tin giả mạng xã hội, với nội dung lẫn lộn thật - giả, khiến nhiều người bị nhầm lẫn.
Thậm chí, các video cũ từ tai nạn khác được chỉnh sửa, đổi tiêu đề thành “Vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 tại vịnh Hạ Long gây chấn động” rồi lan truyền rộng rãi. Kết quả là những thông tin bóp méo sự thật tiếp tục được chia sẻ chóng mặt, làm tổn thương thêm nạn nhân và gây hoang mang dư luận.
Tạo tin giả câu view – hậu quả khôn lường
Theo luật sư Đào Thị Bích Liên (Đoàn luật sư TP.HCM), hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai lệch về vụ lật tàu Hạ Long có thể bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Hành vi phát tán tin giả mạng xã hội, gây hoang mang dư luận là vi phạm Luật An ninh mạng 2018 (Điểm d Khoản 1 Điều 8). Trong đó nêu rõ: việc lan truyền thông tin sai sự thật gây thiệt hại cho xã hội, ảnh hưởng đến cơ quan công quyền hoặc xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân là hành vi bị cấm.
Tuỳ theo mức độ vi phạm, người tung tin giả có thể bị phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức (theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP). Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, cải chính công khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trường hợp nghiêm trọng, nếu thông tin giả ảnh hưởng đến công tác cứu hộ, tâm lý gia đình nạn nhân hoặc gây hoang mang dư luận quy mô lớn, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 331 Bộ luật Hình sự với tội danh: lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, hành vi vu khống, dựng chuyện sai sự thật nhằm xúc phạm hoặc gây thiệt hại uy tín người khác còn có thể bị xử lý theo Điều 156 Bộ luật Hình sự.