Doanh nghiệp

Có hay không sự mập mờ trong chuyện tuyển dụng của Viettel?

Có hay không sự mập mờ trong chuyện tuyển dụng của Viettel?

Một vụ việc thu hút khá đông sự quan tâm chú ý của dư luận khi Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel bị chính nhân viên cũ của mình kiện ra toà do những rắc rối liên quan đến việc sử dụng lao động.

Theo lời kể của bị đơn tên Huy, vào tháng 1/2009, anh thi tuyển vào Viettel với vị trí Phó phòng Khai thác Vận hành Trung tâm truyền dẫn KV2. Sau đó một tháng, anh Huy nhận thông báo trúng tuyển kèm theo “Giấy gọi học việc” của Viettel.

Trong giấy gọi học này ghi rõ chức danh Phó phòng, học tại Công ty truyền dẫn Viettel và thời hạn 3 tháng. Về mặt chế độ, phụ cấp mà anh Huy được hưởng trong thời gian học việc là 75% lương chức danh. Nếu đạt tiêu chuẩn, Viettel sẽ tiến tới ký hợp đồng lao động.

Sau quá trình học việc khoảng 20 ngày, anh Huy được đưa về vị trí công tác thực hiện chuyên môn và quản lý đúng với chức danh Phó phòng. Hơn ba tháng sau, Viettel tổ chức thi bảo vệ thử việc. Anh Huy nhận kết quả được thông báo miệng là không đạt yêu cầu. Phía công ty sau đó đề nghĩ anh học việc thêm một tháng nữa và bảo vệ lại vào đợt sau. Ở lần thứ 2, anh Huy cũng không bảo vệ thành công và phải nhận “Giấy báo chấm dứt học việc” vào ngày 17/8/2010.

Theo anh Huy, thực tế anh đã làm việc tại Viettel với vị trí là Phó phòng Khai thác Vận hành Trung tâm truyền dẫn KV2 trong thời gian 6 tháng (từ tháng 2 – 8/2010). Trong khoảng thời gian này, chế độ mà anh Huy được hưởng chỉ ở mức thử việc là không đúng với công sức mà anh bỏ ra.

Khi tiến hành tìm hiểu luật, anh Huy nhận thấy không có khái niệm về “học việc” mà chỉ có “học nghề”. Cũng theo luật lao động, “Trong trường hợp DN nhận người vào học nghề để sử dụng thì hợp đồng học nghề phải có cam kết về thời hạn làm việc cho DN và phải bảo đảm ký kết HĐLĐ (Hợp đồng lao động) sau khi học xong”. Điều này hoàn toàn không đúng với trường hợp của anh. Đây cũng là lý do mà anh Huy cho rằng Viettel đang cố tình lập lờ về mối quan hệ lao động với anh cũng như làm trái với luật lao động. Do đó, anh đã tiến hành khởi kiện doanh nghiệp này tại Toà án Nhân dân (TAND) quận Ba Đình (Hà Nội).

Tại phiên toà, phía luật sư đại diện cho Viettel là ông Chí (Trưởng bộ môn Luật Lao động - ĐH Luật Hà Nội) cho rằng Viettel không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh Huy vì chưa hề có HĐLĐ nào ký với anh. Đây thực chất chỉ là “chấm dứt học việc” theo Quy chế tuyển dụng cán bộ do Viettel ban hành. Theo Quy chế này, nếu anh Huy không đạt kết quả học việc thì sẽ không được ký HĐLĐ.

Có hay không sự mập mờ trong chuyện tuyển dụng của Viettel?

Phía Viettel sau đó cũng đã cho anh Huy bảo vệ học việc lần thứ hai nhưng anh không đạt kết quả. Do vậy, không có gì bất thường và sai luật trong mối quan hệ của Viettel và anh Huy. Viettel cũng bác bỏ hoàn toàn mọi chứng cứ mà anh Huy đưa ra như thẻ nhân viên với chức danh phó phòng và các giấy tờ giới thiệu công tác với chức danh tương tự. Ông Chí cũng đưa ra những nghi vấn về độ “xịn” của những tấm thẻ này.

Về phía Luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn LS Quảng Ninh), người đại diện quyền, lợi ích hợp pháp cho anh Huy khẳng định Viettel đã vi phạm Luật Lao động khi “Quy chế tuyển dụng” của tập đoàn này không ghi rõ đâu là sử dụng lao động ngắn hạn hay dài hạn.

Việc tuyển dụng kiểu “trúng tuyển” rồi cho đi học việc, cho lương (75% lương chức danh) rồi nếu đạt mới ký HĐLĐ là sai quy định pháp luật. Với trường hợp của anh Huy, được tuyển vào chức Phó phòng thì đương nhiên là người có kinh nghiệm, có trình độ ĐH chuyên ngành. Do đó, không thể bắt anh Huy phải đi “học việc” như đối tượng trình độ sơ, trung cấp nghề. Nội dung trong khoá học cùng các đối tượng có trình độ thấp hơn cũng không hợp lý với những kiến thức cần có của vị trí phó phòng.

Cũng theo luật sư Phất, bản chất của vụ việc này là Viettel đã sử dụng lao động như một quan hệ HĐLĐ dù không hề ký kết HĐLĐ. Điều này là bởi phần lớn thời gian anh Huy đã thực sự phải lao động đúng với chức danh Phó phòng và được hưởng lương cũng như tuân thủ mọi nội quy của Viettel. Đây có thể coi là một hình thức lợi dụng sức lao động và cần phải được đưa ra làm rõ trước pháp luật.

Bên cạnh đó, ông Phất cũng phản đối lập trường của bên bị đơn khi cho rằng lý lịch của anh Huy không tốt cũng như không phù hợp với văn hoá doanh nghiệp. Ngoài ra, với việc Viettel cho rằng thẻ và giấy giới thiệu của anh Huy có vấn đề, vị đại diện pháp luật của anh Huy cũng đề nghị toà đưa các chứng cứ này đi giám định để làm rõ những khuất tất trong vụ việc.

Trước những lý lẽ của phía nguyên đơn, chủ tọa phiên tòa cũng đồng ý với quan điểm của phía bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho anh Huy. Theo toà, Viettel có những thiếu sót trong tuyển dụng, sử dụng lao động, nên yêu cầu phía Viettel đưa ra thêm chứng cứ, tài liệu về việc tuyển dụng lao động. Phiên toà kết thúc mà không có bản án nào được đưa ra. Cả 2 bên nguyên đơn và bị đơn sẽ tiếp tục tranh tụng trong phiên toà kế tiếp. 

 

Người Viettel đổ bộ vào Myanmar, thành lập mạng di động 1,5 tỷ USD

(Techz.vn) Sau khi được cấp giấy phép thành lập mạng di động tại Myanmar, tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã bắt đầu cử những nhân viên đầu tiên đến với xứ sở chùa Vàng. rn