Thiết bị công nghệ

Viễn cảnh phiền toái với kính Google Glass

Viễn cảnh phiền toái với kính Google Glass

Cặp kính tương tác có thể giúp Google vươn tầm ảnh hưởng từ thế giới ảo ra ngoài đời thật, nhưng thiết bị này tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu đến sự riêng tư của con người.

Buổi trình diễn của Sergey Brin về khả năng hoạt động của kính Google Glass tại hội thảo I/O tháng trước đã vẽ lên viễn cảnh về một thế giới luôn luôn kết nối, luôn luôn sẵn sàng chia sẻ. Google đang nắm trong tay một thứ quyền lực ảo khi họ có thể phân tích và tổng hợp thói quen người dùng trên Internet. Họ được coi là "bậc thầy" trong thế giới ảo. Nhưng, như nhiều hãng khác, họ không hài lòng với những gì mình có. Họ tìm kiếm những cách mới để tác động sâu hơn vào thế giới thực. Có thể thấy điều đó qua việc Google triển khai dịch vụ Street View để chụp ảnh đường phố, tạo bản đồ số về từng căn nhà, khu phố.

Google Glass sẽ được bán trong vòng 1-2 năm tới.
Google Glass sẽ được bán trong vòng 1-2 năm tới.

Google Glass sẽ là cặp kính luôn ngự trị trên mắt bạn. Dựa trên những gì ống kính thu nhận được, sản phẩm sẽ hiển thị cho người dùng lớp dữ liệu về mọi thứ diễn ra xung quanh bên cạnh việc thông báo tin nhắn, phát video, duyệt web... và bất cứ thông tin gì có thể truyền không dây từ máy chủ web. Google Glass sẽ còn là một smartphone thu nhỏ với camera, microphone, khả năng nhận diện giọng nói... Ví dụ, khi người sử dụng ra lệnh tra cứu địa điểm, kính sẽ hiển thị lộ trình tới khu vực đó cũng như giới thiệu một số địa danh đáng chú ý trên đường.

Sự thông minh của chiếc kính sẽ đem lại nhiều lợi ích, nhưng cũng sẽ làm không ít người lo lắng. Do Google Glass được kết nối Internet, người đeo dễ dàng chia sẻ những gì họ đang làm hoặc nghe, quan sát được... theo thời gian thực lên mạng. Google vẫn tập hợp thói quen người dùng qua việc lưu các cookies và trong tương lai, họ còn có thể theo dõi được cả hành vi của con người trong cuộc sống.

Một số người lại lo ngại khi họ đi trên đường và vô tình nhìn thấy một chiếc xe nào đó (của một công ty đã ký hợp đồng quảng cáo với Google), màn hình sẽ lập tức hiển thị thông tin về xe đó. Hay Glass sẽ đăng phiếu giảm giá đồ uống khi nó nhận thấy chủ nhân đang đứng gần một quán cafe. Viễn cảnh này được coi là lý tưởng cho nhà quảng cáo nhưng lại là cơn ác mộng với người dùng.

Hay sự riêng tư của con người sẽ không còn với công nghệ nhận diện khuôn mặt. Những phần mềm này hiện chưa thực sự hoàn thiện, nhưng Google cũng đã thử nghiệm cung cấp dịch vụ tìm kiếm bằng ảnh (thay vì nhập text, người sử dụng đăng ảnh lên và Google sẽ phân tích để hiển thị thông tin và hình ảnh liên quan đến tấm hình đó, nếu chúng có trong kho dữ liệu của họ). Với Glass, người đeo thiết bị có thể quét trong đám đông xem tình cờ ở đó có ai là thành viên trên Google+ không, hay thậm chí là họ có đăng ảnh lên mạng bao giờ không. Hiện nay, có một số ứng dụng tương tác thực ảo (AR) trên di động đã làm được điều đó, nhưng không phải ai cũng có nhu cầu giơ điện thoại lên để kiểm tra. Còn cặp kính đeo trên mắt sẽ biến điều này trở nên bình thường hơn.

Google Glass có thể khiến con người
Google Glass có thể khiến con người "trần trụi trước đám đông".

Những lo ngại trên không phải vấn đề lớn nếu chỉ có một nhóm nhỏ sử dụng kính. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi Google Glass phổ biến như hoặc gần như iPhone ngày nay? Sự riêng tư của con người sẽ không còn, nhất là ở các thành phố lớn, tỷ lệ người dùng Internet và chia sẻ hình ảnh, thông tin lên mạng khá đông.

Nếu cho rằng đó là chuyện qua xa xôi, hãy nhớ cách đây chỉ 5 năm, smartphone vẫn là thiết bị xa vời còn chức năng chính của điện thoại là nghe gọi, nhắn tin, trong khi hiện giờ chúng đã thành công cụ đo độ nhiễm xạ, thay đàn guitar, bản đồ số... Google Glass thế hệ đầu mới chỉ là món đồ chơi đơn giản, nhưng các thế hệ sau đó và khi những công ty khác cũng tham gia vào lĩnh vực này như Apple và Sony, chức năng của sản phẩm sẽ vượt lên sức tưởng tượng của con người.