Scorpius

Viễn cảnh "ông cười bà khóc" vụ ly hôn nghìn tỷ tại Trung Nguyên: Những lập luận cho kết quả cuối cùng sau hơn 3 năm tranh chấp

Viễn cảnh

Chính thức đâm đơn ly hôn vào tháng 11/2015, trải qua nhiều lần hoà giải, cho đến những trận đối đáp gay gắt giữa 2 sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên, phiên toà 27/3 khép lại chặng đường dài hơn 3 năm với sự mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt các bên.

Giá trị tài sản cần phân chia lên đến hơn 8.000 tỷ đồng, những lý lẽ đanh thép của đôi bên khiến vụ ly hôn trở thành tâm điểm của dư luận. Nhiều ý kiến bày tỏ sự cảm thông với bà Lê Hoàng Diệp Thảo trên khía cạnh người vợ, người phụ nữ, người mẹ.

Ngược lại, cũng không ít sự đồng tình dành cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ với những ý tưởng "lạ lẫm" sau thời gian dài thiền định, ông muốn đưa Trung Nguyên vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, mang một tầm vóc toàn cầu mà chính người vợ với quan điểm điều hành của mình không thể làm được, "Cô nuôi con 3 năm không lên được ký nào", ông Vũ từng đặt vấn đề?

Cho đến chiều ngày 27/3, sau khi làm rõ số tiền được cho là có trị giá tới 2.100 tỷ đồng tại 3 ngân hàng, HĐXX TAND Tp.HCM đã đi đến phán quyết cuối cùng, trong đó:

1. Về tài sản (trừ bất động sản trị giá 375 tỷ đồng dành riêng cho bà Thảo) sẽ chia ông Vũ 60%, bà Thảo 40%; với giá trị định giá khoảng 7.000 tỷ đồng tương ứng số tiền hai bên nhận được là ông Vũ 4.000 tỷ đồng và bà Thảo gần 3.000 tỷ đồng.

2. Tuy nhiên đó chỉ là phân chia về mặt sở hữu, vấn đề trọng điểm là quyền điều hành – yếu tố gay cấn của vụ ly hôn – Toà quyết định giao toàn quyền điều hành Trung Nguyên cho ông Vũ, tức giao cổ phần của bà Thảo tại Trung Nguyên lại cho ông Vũ quản lý. Đáp lại, ông Vũ sẽ trả tiền mặt cho bà Thảo tương ứng số chênh lệch là 1.200 tỷ đồng, cộng với 1.700 tỷ đồng (vừa đủ tổng 40% sở hữu của bà Thảo là 3.000 tỷ đồng) tại ngân hàng.

Thực tế, con số phân chia sở hữu tại Trung Nguyên đạt 60-40% là mức bình quân khi so sánh với yêu cầu từ hai phía, ông Vũ từng kiến nghị chia 70-30% thiên về phía mình, ngược lại bà Thảo muốn 51% cổ phần Trung Nguyên.

Song, quyết định cuối cùng của HĐXX mang lại "chiến thắng" trọn vẹn cho ông Vũ, tức ông được quyết định toàn bộ mọi vấn đề tại Trung Nguyên, quản lý toàn bộ số vốn của bà Thảo; đồng nghĩa việc bà Thảo mất hoàn toàn không còn được tham gia phủ quyết, biểu quyết… tại Tập đoàn (xét trên cả hai phương diện đối nhân và đối vốn tại doanh nghiệp).

Về lý

Nếu xét về lý, việc điều hành Trung Nguyên được đa số người quan tâm lựa chọn giao cho ông Vũ, với tâm và tầm từ đó thực hiện đưa thương hiệu Việt Nam ra năm châu.

Viễn cảnh ông cười bà khóc vụ ly hôn nghìn tỷ tại Trung Nguyên: Những lập luận cho kết quả cuối cùng sau hơn 3 năm tranh chấp - Ảnh 2.

Riêng tại Trung Nguyên, xem xét xuyên suốt quá trình thì ông Vũ luôn đóng góp nhiều hơn bà Thảo.

Và, để đưa ra phán quyết trên, lập luận từ phía HĐXX bao gồm:

+ Thứ nhất, ông Vũ tính đến hiện tại có đầy đủ năng lực hành vi dân sự: 

Trước đó, phía bà Thảo đưa ra đã yêu cầu giám định tâm thần với ông Vũ, tuy nhiên đại diện ông Vũ cung cấp cho tòa kết luận giám định thể hiện ông Vũ không có biểu hiện rối loạn tâm thần. Quyết định giải quyết khiếu nại của TAND quận 3 chấp nhận khiếu nại của ông Vũ, hủy biện pháp khẩn cấp tạm thời, đình chỉ giải quyết yêu cầu dân sự yêu cầu tuyên ông Vũ mất năng lực hành vi dân sự. Do đó, Tòa không có cơ sở để giải quyết giám định theo yêu cầu của bà Thảo.

+ Thứ hai, riêng tại Trung Nguyên, xem xét xuyên suốt quá trình thì ông Vũ luôn đóng góp nhiều hơn bà Thảo:

Theo nguyên tắc, tài sản chia đôi khi ly hôn nhưng có tính đến các yếu tố hoàn cảnh của gia đình, của vợ, chồng, công sức đóng góp của vợ chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Ông Vũ và gia đình đã sáng tạo ra cà phê Trung Nguyên nhờ vào tiền bán nhà bố mẹ và tiền vay mượn. Giấy phép kinh doanh cấp cho ông Vũ và ông Mơ (cha ông Vũ). Vậy về mặt đóng góp là thuộc về ông Vũ và gia đình, điều này phù hợp với những trình bày của ông Vũ tại tòa. Tòa nhận định khi thành lập doanh nghiệp, số lượng vốn góp của ông Vũ bao giờ cũng nhiều hơn bà Thảo. Đây là điều cốt lõi xác định công sức đóng góp của hai bên.

+ Thứ ba, bà Thảo đã có King’s Coffe - hiện cạnh tranh với G7 của Trung Nguyên:

Tòa nhận thấy bà Thảo có tham gia tuyên truyền cho King’s Coffe, hiện cạnh tranh với G7 của Trung Nguyên. Do đó, việc ông Vũ cho rằng bà Thảo vi phạm luật cạnh tranh là có căn cứ. Đồng thời, suốt 3,5 năm qua, việc hai bên xảy ra hàng loạt vụ kiện ảnh hưởng danh dự thương hiệu cũng như hoạt động của Trung Nguyên, Tòa cho rằng cần thiết giao cổ phần bà Thảo và ông Vũ trong Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ quản lý theo Luật Hôn nhân Gia đình. Bù lại, ông Vũ thanh toán lại bằng tiền cho bà Thảo; tạo điều kiện cho bà Thảo đầu tư vào thương hiệu cà phê mới. Có như vậy mới giúp các đương sự có cuộc sống mới.

+ Cuối cùng, bác bỏ quan điểm ông Vũ từng thiền định và bỏ bê Trung Nguyên:

Đưa ra lý lẽ cho mình, bà Thảo cho rằng ông Vũ từng mải mê thiền định mà không quan tâm đến Trung Nguyên. Phía ông Vũ phản bác vẫn nắm hết mọi việc trong thời gian vắng mặt. Trong bối cảnh này, căn cứ vào báo cáo kiểm toán, tổng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Trung Nguyên, Toà ghi nhận Tập đoàn vẫn duy trì sự phát triển ở mức 650 tỷ đồng trở lên, do đó bác bỏ quan điểm trên của bà Thảo.

Về tình

Còn xét về tình, trong suốt những năm tình nghĩa vợ chồng sự đóng góp, hậu thuẫn của bà Thảo cũng khó lòng chối cãi, do đó bà Thảo vẫn nhận lại bất động sản, tài sản tại ngân hàng, số tiền chênh lệch ông Vũ phải chỉ trả với tổng giá trị khoảng 3.300 tỷ đồng.

Viễn cảnh ông cười bà khóc vụ ly hôn nghìn tỷ tại Trung Nguyên: Những lập luận cho kết quả cuối cùng sau hơn 3 năm tranh chấp - Ảnh 3.

Trong suốt những năm tình nghĩa vợ chồng sự đóng góp hậu thuẫn của bà Thảo cũng khó lòng chối cãi.

Nói về cuộc hôn nhân giữa ông Vũ bà Thảo, HĐXX đánh giá hai bên đã từng đồng lòng tuy nhiên sau đó mâu thuẫn phát sinh và ngày càng trầm trọng. Đến nay, Toà khẳng định việc bà Thảo, ông Vũ cùng đề nghị tòa chấp nhận cho ly hôn là hoàn toàn hợp lý. Do đó, HĐXX đồng ý với sự thỏa thuận của hai bên, giấy kết hôn hai bên theo đó chính thức không còn hiệu lực pháp lý kể từ ngày 27/3.

Về việc nuôi con, ông Vũ đã có thời gian dài sống xa gia đình, do đó 4 người con lúc này sẽ do bà Thảo nuôi, ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con 10 tỷ đồng/năm tính từ năm 2013 cho đến khi học xong đại học. Ngược lại, ông Vũ có quyền chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên; ông Vũ có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người nuôi con nếu có đủ điều kiện.

Cho đến hiện tại, vụ ly hôn vẫn trở thành đề tài gây xôn xao dư luận với hai luồng quan điểm, chưa kể việc phân chia 40% tài sản dựa trên giá trị sổ sách cũng được cho là "thiệt thòi" với bà Thảo. Kết thúc phiên toà, từ bất thần khi nghe HĐXX đưa ra phán quyết và rồi bật khóc, bà Thảo nghẹn ngào: "Bản án quá bất công với mẹ con tôi".

Phía ông Vũ, nếu trong lúc nghị án cho đến lúc Toà tuyên án ông tỏ ra quá chán chường khi phiên toà cứ kéo dãi mãi và chỉ mong "sớm kết thúc, 10.000 lượng vàng hay 10.000 chỉ vàng không quan trọng", thì nụ cười sau đó xuất hiện xuyên suốt từ lúc Toà tuyên kết thúc phiên xét xử đến lúc ra về.

Theo: Trí Thức Trẻ 

 

2/3 kịch bản cho thấy ông Đặng Lê Nguyên Vũ có thể kiểm soát Trung Nguyên, nhưng để quyết định vận mệnh của tập đoàn này thì chưa chắc

(Techz.vn) Trước ngày phán quyết, có 2/3 số kịch bản cho thấy ông Vũ có khả năng giữ cổ phần kiểm soát Trung Nguyên, nhưng để quyết định toàn bộ hướng đi của tập đoàn này lại là một câu chuyện khác.