Đời sống

Công thần thời Hậu Lê nào vừa là anh hùng dân tộc Việt Nam vừa là danh nhân văn hoá thế giới?

Công thần thời Hậu Lê nào vừa là anh hùng dân tộc Việt Nam vừa là danh nhân văn hoá thế giới?

Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 6 nhân vật được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc) vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới bao gồm: Nguyễn Trãi (quê gốc ở Hải Dương) - (vinh danh vào năm 1980), Hồ Chí Minh (sinh tại huyện Nam Đàn, Nghệ An) - (vinh danh vào năm 1990), Nguyễn Du (quê gốc trấn Nghệ An (nay thuộc Hà Tĩnh) -  (vinh danh vào năm 2015), Chu Văn An( quê gốc Hà Nội) - (vinh danh năm 2019), Hồ Xuân Hương (quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) và Nguyễn Đình Chiểu (sinh tại huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) - ( vinh danh năm 2021). 

Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cũng đưa ra danh sách 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam (dựa trên Công văn ngày 21/6/2013):  Quốc tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ (Quang Trung), Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Như vậy có thể thấy, trên hai danh sách này, ở thời phong kiến chỉ có Nguyễn Trãi là nhân vật vừa được UNESCO công nhận là danh nhân văn hoá thế giới vừa là 1 trong  14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam 

Nguyễn Trãi - Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa

Theo đó, Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là 1 nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà ngoại giao thiên tài. Ông tham gia tích cực trong Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự xâm lược của nhà Minh với Đại Việt. Ông được xem là nhà văn hoá lớn, có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của văn học và tư tưởng Việt Nam. Ông được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới vào năm 1980 và là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam và năm 1980, Nguyễn Trãi đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

Nguyễn Trãi, hiệu là Ức Trai, sinh ở Thăng Long trong gia đình ông ngoại là quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Cha ông là Nguyễn ứng Long (tức là Nguyễn Phi Khanh). Mẹ ông là TrầnThị Thái, con gái Trần Nguyên Đán.

Năm Nguyễn Trãi lên 5 tuổi, mẹ ông mất. Sau đó không lâu, Trần Nguyên Đán cũng mất. Ông về ở với cha tại quê nội ở làng Nhị Khê huyện Thượng Phúc (tức phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông) nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

Năm 1400, để cứu vãn chế độ phong kiến đang khủng hoảng trầm trọng, Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần và tiếp tục thi hành các cải cách như chính sách hạn nô, hạn điền, tổ chức lại giáo dục, thi cử và y tế. Ngay sau khi lên ngôi Vua, Hồ Quý Ly mở khoa thi. Nguyễn Trãi ra thi, ông đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) năm ông 20 tuổi. Hồ Quý Ly cử ông giữ chức Ngự sử đài chánh chưởng. Còn cha ông là Nguyễn Phi Khanh đỗ bảng nhãn từ năm 1374, được Hồ Quý Ly cử giữ chức Đại lý tự khanh Thị lang tòa trung thư kiêm Hàn lâm Viện học sĩ tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Trong 10 năm kháng chiến với quân Minh, Nguyễn Trãi đã giúp vua Lê Lợi bằng mưu kế: phàm các văn thư từ trát giao thiệp với tướng nhà Minh, đều do một tay ông thảo thiện. Sau khi đã đánh đuổi ngoại xâm về Tàu, Nguyễn Trãi được phong tước Quan phục hầu, liệt vào hạng khai quốc công thần đệ nhất. Triều vua Lê Thái Tông được làm Nhập nội hành khiển (tức Tể tướng). Năm 60 tuổi, về trí sĩ tại Côn Sơn (thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Nguyễn Trãi còn là nhà văn, nhà thơ lớn với nhiều tác phẩm có giá trị

Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi là những thư từ do ông viết trong việc giao thiệp với quân Minh. Những thư này là những tài liệu cụ thể chứng minh đường lối ngoại giao vào địch vận hết sức khéo léo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi làm cho quân Lam Sơn không mất xương máu mà hạ được rất nhiều thành."Quân trung từ mệnh tập" là những thư từ gửi cho các tướng giặc và những giấy tờ giao thiệp với triều đình nhà Minh, nhằm thực hiện kế "đánh vào lòng", ngày nay gọi là địch vận. "Bình Ngô đại cáo" lấy lời Lê Lợi tổng kết 10 năm chống giặc, tuyên bố trước nhân dân về chính nghĩa quốc gia, dân tộc, về qúa trình chiến đấu gian nan để đi đến chiến thắng vĩ đại cuối cùng giành lại hòa bình cho đất nước. Bài Bình Ngô đại cáo của ông là một "thiên cổ hùng văn". Đó là một thiên anh hùng ca bất hủ của dân tộc. "Lam Sơn thực lục" là cuốn sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. "Dư địa chí" viết về địa lý lịch sử nước ta. "Chí Linh sơn phú" nói về cuộc chiến đấu chống giặc Minh gian khổ và anh hùng. Các tác phẩm ấy đều là văn bằng chữ Hán.

Về thơ, có hai tập: "Ức trai thi tập" bằng chữ Hán, "Quốc âm thi tập" bằng chữ Nôm, tức chữ Việt, đó là thơ cả một đời, từ lúc trẻ đến tuổi già, nhiều nhất là khoảng 10 năm tìm đường và thời gian về nghỉ ở Côn Sơn. Nội dung thấy rõ trong đó là tâm tình đối với quê hương, gia đình, với nước, với dân, với bao éo le trong cuộc đời... Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là tác phẩm xưa nhất bằng Việt ngữ mà chúng ta còn giữ được. Tác phẩm này rất quan trọng cho công tác nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam và lịch sử ngôn ngữ Việt Nam.

“Những đóng góp của Nguyễn Trãi vô cùng lớn lao trong lịch sử của dân tộc. Ông là vị anh hùng, là một khí phách, là tinh hoa của dân tộc. Công lao quý giá và sự nghiệp vĩ đại nhất của Nguyễn Trãi là tấm lòng vì nước thương dân tha thiết và sự nghiệp đánh giặc cứu nước vô cùng vẻ vang. Ông đã giành cả tâm hồn, trí tuệ, tài năng cống hiến cho lợi ích của dân tộc trong phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Tư tưởng chính trị quân sự ưu tú và tài ngoại giao kiệt xuất của ông đã góp phần không nhỏ cho phong trào khởi nghĩa Lam Sơn đi tới thắng lợi.” - Theo Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam.

 

Vùng đất sinh ra nhiều danh nhân văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh nhất Việt Nam: 3/6 người

Đây chính là vùng đất 'địa linh nhân kiệt' - là nơi sản sinh ra nhiều danh nhân văn hóa thế giới được UNESCO công nhận nhiều nhất Việt Nam