Thay đổi đáng chú ý về diễn biến biến bão số 3 từ đêm 21/7-23/7, khu vực và thời điểm mưa to nhất?
Dưới đây là những diễn biến mới nhất về cơn bão số 3 - bão Wiphi và khu vực mưa to nhất do bão gây ra. Đồng thời, cần đề phòng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở khu vực vùng núi.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 3 (tên quốc tế Wipha) đang có diễn biến phức tạp khi tiến gần khu vực ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Dự báo từ chiều tối nay 21/7, mưa sẽ gia tăng và kéo dài đến sáng mai 22/7, với trọng tâm mưa lớn tập trung tại các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

Vào trưa ngày 21/7, bà Nguyễn Thanh Bình - Dự báo viên chính Phòng Dự báo Số trị Viễn thám, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 3 đã có một số thay đổi đáng chú ý trong diễn biến.
Cụ thể, đêm qua và rạng sáng nay, bão đã đổ bộ vào khu vực phía nam Trung Quốc và đi qua bán đảo Lôi Châu. Khi di chuyển xuống Vịnh Bắc Bộ vào sáng 21/7, tốc độ bão có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, bão lại tăng tốc, hiện di chuyển với vận tốc trung bình khoảng 15km/h theo hướng Tây Tây Bắc.
Bà Bình cho biết, hiện nay hoàn lưu mây của bão đã bao phủ toàn bộ khu vực Đông Bắc Bộ và kéo dài đến phía đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Tuy nhiên, phần mây dày có khả năng gây mưa lớn vẫn nằm trong phạm vi hẹp, do đó trong ngày hôm nay, khu vực Hà Nội và các tỉnh đồng bằng chủ yếu âm u, không có nắng nhưng lượng mưa chưa đáng kể.
“Dự kiến từ chiều tối nay, khi bão tiến sát vào ven biển Việt Nam, vùng mây đối lưu sẽ tiến gần hơn và gây ra mưa lớn, tập trung vào đêm 21 và sáng 22/7. Đây sẽ là thời điểm mưa nhiều nhất do ảnh hưởng trực tiếp của bão”, bà Bình nhận định.


Về khu vực có khả năng xuất hiện mưa lớn nhất, cơ quan khí tượng cho biết vùng núi Đông Bắc, đặc biệt là khu vực phía nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, khu vực các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An được xác định là trọng tâm mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra tình trạng ngập úng và lũ quét, sạt lở đất.
Cũng theo bà Bình, người dân không nên chủ quan sau khi bão tan. Dù lượng mưa có thể giảm dần khi vùng áp thấp di chuyển sang Lào nhưng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở khu vực vùng núi vẫn rất cao, đặc biệt là sau khi đất đá đã bị bão làm ngậm nước và mất kết cấu ổn định.
“Thực tế cho thấy, nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra không phải trong thời điểm mưa lớn nhất mà là sau khi bão đã qua, do điều kiện địa chất đã bị bão làm suy yếu”, bà Bình cảnh báo.
Bên cạnh đó, hình thái thời tiết xấu do tàn dư của bão số 3 còn có thể tiếp tục gây mưa trên diện rộng tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ trong vài ngày tới, do hình thành dải hội tụ nhiệt đới vắt ngang qua Bắc Bộ và Bắc Lào.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, người dân tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là vùng núi, vùng trũng thấp và khu vực gần sông suối cần theo dõi sát các bản tin cảnh báo, chủ động sơ tán khi cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.