Doanh nghiệp

Shark Vương lý giải sự khác biệt giữa Shark Tank Việt Nam và phiên bản Mỹ: Các Shark không cần là tỷ phú, quan trọng là có tinh thần đầu tư vào startup

Shark Vương lý giải sự khác biệt giữa Shark Tank Việt Nam và phiên bản Mỹ: Các Shark không cần là tỷ phú, quan trọng là có tinh thần đầu tư vào startup

Là một trong 5 "cá mập" có mặt tại Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên, Shark Trần Anh Vương đến nay vẫn được khán giả nhớ đến nhờ sự hài hước, thông minh và thái độ luôn chân thành với các startup. Tuy nhiên, có thể không nhiều người biết, Shark Vương chính là người đầu tiên mang bản quyền Shark Tank về Việt Nam, cũng là người rơi nước mắt khi chương trình đã từng bị tất cả các nhà đài từ chối.

Đến nay, sau 2 mùa phát sóng, Shark Tank đã ghi nhận nhiều thương vụ thành công, thậm chí có những thương vụ nhận đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng. Nhưng với Shark Vương, khác với bản gốc của Mỹ, Shark Tank Việt Nam hướng tới ý nghĩa lớn hơn, đó là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trên cả nước.

"Shark Tank Việt Nam khác Shark Tank Mỹ ở chỗ không phải diễn ra bao nhiêu deal thành công, không phải có bao nhiêu startup nhận đầu tư thành công mà quan trọng là Shark Tank Việt Nam mang tới tinh thần khởi nghiệp, và chúng tôi đã định hướng đúng điều này".

"Chúng tôi đã từng phải giải trình, cãi nhau với rất nhiều bên, trong ấy có cả đài truyền hình. Chúng tôi nói đối tượng người xem Shark Tank không chỉ là các doanh nhân, startup mà đối tượng rộng hơn rất nhiều. Nhiệm vụ chính của Shark Tank Việt Nam là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, giờ điều ấy đã được chứng minh và tôi nghĩ đó mới là ý nghĩa thực sự của Shark Tank Việt Nam", Shark Vương thẳng thắn chỉ ra.

Bên cạnh đó, cựu cá mập mùa 1 cũng cho biết nếu phiên bản của Mỹ, các Shark đều là tỷ phú USD, và số lượng Shark trong mỗi mùa chỉ giới hạn ở vài cá nhân, thì tại Việt Nam, sau 2 mùa số lượng Shark đã lên tới hơn 10 người.

"Shark Việt Nam đều không phải tỷ phú USD. Tỷ phú USD Việt Nam cũng có mấy người nhưng chả ai lên đấy ngồi cả", Shark Vương hài hước cho biết.

Thay vào đó, sự đa dạng về số lượng các Shark tại Việt Nam sẽ giúp startup có nhiều cơ hội nhận đầu tư hơn, tiếp cận với nguồn hỗ trợ về tài chính và kiến thức phong phú hơn. Tuy không cần là tỷ phú USD nhưng theo Shark Vương, những cá nhân nhận ghế nóng Shark Tank cũng cần đáp ứng một vài tiêu chí nhất định.

"Đầu tiên các Shark không cần là tỷ phú USD nhưng cũng phải có tiền đầu tư. Quan trọng hơn là có tinh thần đầu tư cho startup. Nhiều người có nhiều tiền nhưng không tham gia, không phải vì người ta sợ mất hay bỏn xẻn mà người ta không có tinh thần đầu tư. Mà tinh thần đầu tư vào startup ở các nhà đầu tư Việt Nam, nói thẳng là khó phết đấy".

"Sau khi có tiền và có tinh thần đầu tư, thì Shark cũng phải có khả năng ăn nói. Dù sao cũng là lên truyền hình, nên ít nhất cũng cần có sự hiểu biết nhất định. Dĩ nhiên những điều nói ngay lập tức có thể đúng có thể sai, nhưng nếu diễn giải nhiều cái không đúng, hoặc khuyên không đúng sẽ có hại cho nhiều người, không chỉ các startup. Shark cần là những người làm được nhưng cũng phải nói được", Shark Trần Anh Vương tiết lộ.

Được biết tập đầu tiên của Shark Tank Việt Nam mùa thứ 3 sẽ chính thức lên sóng vào lúc 20 giờ 30 ngày 24/7/2019. Sau sự ra đi của CEO Asanzo Phạm Văn Tam, Shark Tank năm nay còn lại 6 cá mập, gồm gồm Shark Nguyễn Thanh Việt, Shark Nguyễn Mạnh Dũng (Dzung Nguyễn), Shark Phạm Thanh Hưng, Shark Nguyễn Ngọc Thủy, Shark Thái Vân Linh và Shark Đỗ Liên.

Theo: Trí Thức Trẻ 

 

Shark Hưng: Nếu muốn kiểm soát công ty của startup, tôi đã không là nhà đầu tư

(Techz.vn) Khi nhận đầu tư, các startup thường lo ngại rằng, nếu để nhà đầu tư chiếm quá nhiều cổ phần của công ty thì họ sẽ mất quyền kiểm soát. Tuy nhiên, Shark Hưng khẳng định rằng, tôi không muốn chi phối công ty của các bạn vì tôi là nhà đầu tư, chứ không phải lãnh đạo công ty.