Khởi nghiệp

Những “Nỗi đau triệu USD” chưa từng tiết lộ của Shark Vương (P1): Khởi nghiệp thất bại vì chọn sai ngành, lúc công ty thành công thì mất luôn bạn bè

Những “Nỗi đau triệu USD” chưa từng tiết lộ của Shark Vương (P1): Khởi nghiệp thất bại vì chọn sai ngành, lúc công ty thành công thì mất luôn bạn bè

"Hiệu số giữa thành công và thất bại là gì?",

Đây là câu hỏi cựu "cá mập" mùa 1 Trần Anh Vương đặt ra cho các khán giả tham gia talkshow "Nỗi đau triệu USD" được tổ chức vào cuối tuần trước tại Hà Nội.

Ở phía dưới, có rất nhiều đáp án được đưa ra. Có người cho rằng đó là trải nghiệm, người khác cho rằng đó là những cơ hội mới. Tuy nhiên tất cả đều không trùng với ý kiến của tổng giám đốc SAM Holdings.

Thành công – Thất bại = Ý chí

Ý chí là yếu tố giúp Shark Trần Anh Vương, sau nhiều lần thất bại "đau đớn", tiếp tục đứng lên và có được thành công như ngày hôm nay.

Chúng tôi xin phép trích dẫn một phần chia sẻ của Shark Trần Anh Vương trong talkshow "Nỗi đau triệu USD" để độc giả có cái nhìn rõ hơn về những "nỗi đau" mà bất cứ startup nào có thể gặp phải trên con đường khởi nghiệp, từ đó tự rút ra bài học riêng cho bản thân mình.

Những “Nỗi đau triệu USD” chưa từng tiết lộ của Shark Vương (P1): Khởi nghiệp thất bại vì chọn sai ngành, lúc công ty thành công thì mất luôn bạn bè - Ảnh 1.

Nỗi đau số 1: Không học cơ khí nhưng vẫn kinh doanh thép

Shark Vương cho biết cách đây khoảng 20 năm, anh ra trường và có làm cho một công ty nhà nước. Năm 1997, biến cố xảy đến khiến anh chán nản, quyết định xin nghỉ việc để ra làm ngoài.

"Thời điểm ấy tôi bị "ép" khởi nghiệp. Chúng tôi có mấy anh em cùng góp vốn, nhưng chưa thành lập công ty, tuy nhiên cũng có thể gọi là khởi nghiệp", Shark Vương hồi tưởng lại.

"Tôi chọn ngành mà tôi đã làm khi còn trong nhà nước nhưng lại không nghĩ xem với ngành ấy, bản thân tôi có lợi thế gì không, đất nước có lợi thế ở ngành này không. Thực tế nhiều doanh nhân cũng bị "ép" khởi nghiệp và giống tôi, họ chọn đúng ngành họ đã làm trong nhà nước. Người ta bảo thành công một nửa là may mắn, các anh ấy may mắn chọn đúng ngành, còn tôi thì không".

Trên thực tế, Shark Trần Anh Vương lựa chọn ngành cơ khí, cụ thể là làm thép.

Tuy nhiên theo anh phân tích, ngành thép không phải là ngành lợi thế của Việt Nam, cũng như ngành anh có thể theo đuổi.

"Thứ nhất, chúng tôi không có lợi thế vì ngành thép cần vốn lớn. Thứ hai là con người: tôi học Kinh tế Quốc dân nên làm sao giỏi bằng những người đã được đào tạo bài bản. Thứ ba là ngành thép cũng không phải ngành Việt Nam có ưu thế. Mà điều quan trọng nhất, sản phẩm bán ra theo kiểu B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp, PV) chứ không bán trực tiếp cho khách hàng".

Kết quả là mọi người rơi vào tình cảnh nợ nần. Một thời gian sau, Shark Vương phải đổi sang ngành khác và may mắn là thay đổi kịp.

Từ kinh nghiệm này, anh rút ra bài học đầu tiên và quan trọng nhất với người khởi nghiệp, đó là bài học về ngành hàng. Khi chọn ngành hàng, yếu tố quan trọng nhất là lợi thế cạnh tranh của người khởi nghiệp, lợi thế vùng miền đất nước.

"Người Lào Cai đi làm biệt thự biển không thể bằng người Đà Nẵng được".

"Lúc ấy, tôi chọn ngành thép là ngành tôi có thói quen rồi chứ không dám mạo hiểm chấp nhận sang ngành khác. Ví dụ lúc ấy tôi dám thay đổi thì có khi giờ đã không khác gì anh Vượng (tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup, PV), chứ chẳng phải là anh Vương đâu", Shark Vương hóm hỉnh bình luận.

Nỗi đau số 2: Công ty thành công nhưng mất luôn bạn bè

Như đã kể trên, năm 1995 Shark Vương cùng một số người bạn góp vốn làm ăn nhưng không thành lập công ty. Đến năm 1997, sau khi chính thức nghỉ việc công việc nhà nước, anh hầu như làm việc toàn thời gian ở đây.

Thời kỳ đầu chỉ là góp vốn thì đến năm 2000 họ đã phát triển lên thành công ty. Vấn đề duy nhất là 5 thành viên sở hữu 5 công ty khác nhau, không còn đi chung nữa.

Đến đây, Shark Vương bồi hồi trích dẫn câu nói của Shark Phú: "Người Việt làm chung với nhau, thành cũng tan mà bại cũng tan. Trường hợp của chúng tôi là điển hình cho việc doanh nghiệp thành công trong kiếm tiền nhưng thất bại vì tan đàn xẻ nghé. Năm người trước đây là bạn của nhau, sau khi tách ra lại trở thành đối thủ của nhau".

Trường hợp của chúng tôi là điển hình cho việc doanh nghiệp thành công trong kiếm tiền nhưng thất bại vì tan đàn xẻ nghé. Năm người trước đây là bạn của nhau, sau khi tách ra lại trở thành đối thủ của nhau.

"Tôi thấy thất bại này đau đớn ở chỗ không chỉ về mặt tài chính, mà là quan hệ và sau đó là cạnh tranh trên thương trường".

Shark Vương thừa nhận đây không phải là lần duy nhất anh thất bại khi lựa chọn người góp vốn cùng, mà còn nhiều lần khác, thậm chí đến bây giờ, ở một số công ty, anh vẫn thất bại trong vấn đề này.

Người góp vốn cùng, theo anh lý giải, phải giống như người yêu trong cuộc sống, đã bỏ vốn là xác định đi với nhau cả đời, bổ khuyết cho nhau trong tính cách: một người nóng thì một người lạnh.

"Cũng có nhiều khi thất bại không nằm ở chuyên môn, không nằm ở tính cách người này có hợp người kia hay không, mà là quan điểm trong quản trị, chia cổ phần, vì người ta nói nhân thì dễ, chia thì khó".

"Tìm người làm cùng là khó nhất. Đây là vấn đề tôi và thậm chí những doanh nhân lớn hơn vẫn mắc phải, thế mới có chuyện đầu tư 5 được 5 mất", Shark Trần Anh Vương kết luận.

(còn tiếp)

Theo: Trí Thức Trẻ 

 

Học Warren Buffett mua “xác sống”, Shark Vương ôm “trái đắng”

(Techz.vn) Cùng áp dụng phương pháp đầu tư, thâu tóm cổ phần của các doanh nghiệp thua lỗ, rồi tìm cách vực dậy chúng như cách huyền thoại đầu tư Warren Buffett từng làm. Song những doanh nghiệp về tay Shark Vương vẫn tiếp tục thua lỗ, kết quả kinh doanh kém tích cực, cổ phiếu cũng liên tục dò đáy.