Nhịp sống số

FPT bắt đầu triển khai dịch vụ truyền hình cáp

FPT bắt đầu triển khai dịch vụ truyền hình cáp

Sau những thay đổi lớn trong bộ máy nhân sự, có vẻ như FPT đang bắt đầu tìm kiếm thêm những hướng đi mới cho con đường phát triển của mình.

truyen hinh cap

Ngày 6/8/2013, Bộ TT&TT đã cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho FPT Telecom. Như vậy, đến thời điểm này đã có 2 doanh nghiệp viễn thông tham chiến thị trường này là ViettelFPT Telecom cho dù bị nhiều đối thủ đòi "ngăn sông cấm chợ".

Theo đó, FPT Telecom được phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với dịch vụ truyền hình cáp tương tự: trên phạm vi toàn quốc, trừ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk. Ngoài ra, FPT Telecom được cung cấp dịch vụ truyền hình cáp số trên phạm vi toàn quốc.

Trước đó hồi tháng 5/2012, FPT Telecom và AVG đã đệ đơn lên Bộ TT&TT xin được cấp phép dịch vụ truyền hình cáp. Theo đó, AVG sẽ "liên thủ" với FPT Telecom cung cấp dịch vụ này. Sở dĩ AVG hợp tác với FPT Telecom cung cấp dịch vụ truyền hình cáp bởi 2 đơn vị này đã đầu tư trục truyền dẫn Bắc - Nam từ giữa năm 2011. Trục cáp quang Bắc - Nam này có chiều dài khoảng 2.000 km, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2012. Mục tiêu của AVG là đầu tư thêm cáp đồng trục đến hộ gia đình để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp giá rẻ.

Việc cùng một lúc cả Viettel và FPT Telecom "tham chiến" vào thị trường truyền hình cáp sẽ thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ ở một lĩnh vực mà VTV đang chiếm thế độc quyền. Hiện VTV nắm trong tay hơn 70% thị phần của dịch vụ truyền hình cáp. Suốt thời gian qua, VTV liên tục thông báo với khách hàng tăng cước thuê bao, trong bối cảnh dịch vụ của nhà cung cấp này bị nhiều khách hàng kêu ca về chất lượng dịch vụ.

truyen hinh cap

Sau Viettel, FPT là đơn vị tiếp theo tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện cho biết sau 9 năm phát triển, thị trường mới có khoảng 4 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, như vậy còn một số lượng rất lớn người dân Việt Nam chưa được sử dụng dịch vụ.  “Bản chất việc doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truyền hình cáp là phát huy thế mạnh hạ tầng truyền dẫn của họ. Tôi tin rằng khi các doanh nghiệp viễn thông nhảy vào thị trường này, giá dịch vụ cung cấp cho người dân sẽ giảm mạnh chứ không tăng liên tục như thời gian vừa qua”, ông Mai Liêm Trực nói.

Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, nên để các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT cung cấp dịch vụ truyền hình cáp nhưng có cơ chế bắt buộc họ phải cho các doanh nghiệp khác sử dụng chung cơ sở hạ tầng. "Ví dụ, nếu các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạnh như Viettel khi tham gia thị trường truyền hình cáp mà không chịu chia sẻ hạ tầng thì có thể các nhà cung cấp dich vụ khác sẽ chết. Hiện nay, khoảng 80% khu vực nông thôn chưa có dịch vụ truyền hình cáp, trong khi đó Viettel và VNPT có hạ tầng nhưng không chia sẻ hạ tầng với các doanh nghiệp sẽ dẫn tới độc quyền rất nguy hiểm", ông Lê Mạnh Hà nói. 

Đọc thêm: FPT khai trương hai trung tâm bảo hành laptop quy mô lớn 

Mạnh Hưng