Doanh nghiệp

Apple bị chỉ trích vì đối xử với công nhân như… nô lệ

Apple bị chỉ trích vì đối xử với công nhân như… nô lệ

Apple đã phải hứng chịu nhiều “búa rìu dư luận” về điều kiện làm việc của công nhân tại các nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc. Mặc dù hứa sẽ cải thiện tình hình, nhưng mới đây nhất hãng lại tiếp tục bị chỉ trích.

 

 

Theo một báo cáo vừa được công bố của Hiệp hội Sinh viên và Học giả chống lại doanh nghiệp xấu (SACOM) của Hồng Kông cho biết Apple vẫn chưa cải thiện điều kiện làm việc của các công nhân lắp ráp của mình tại các nhà máy ở Trung Quốc, một vấn đề đã từng gây nhiều tranh cãi trước đây và chính Apple đã lên tiếng khẳng định sẽ cải thiện tình hình.

Biểu tình phản đối Apple tại Hồng Kông

 

SACOM đã tiến hành phỏng vấn 130 công nhân làm việc tại 3 nhà máy khác nhau chuyên lắp ráp sản phẩm của Apple tại Trung Quốc ở Quảng Đông, Thượng Hải và Giang Tô. Các công nhân trả lời phỏng vấn của SACOM cho biết họ đang phải làm việc “như những nô lệ” tại các nhà máy này.

Các công nhân cho biết họ vẫn bị bắt buộc phải làm thêm giờ, đôi khi phải làm đến 14 giờ mỗi ngày và chỉ được nghỉ 1 đến 2 ngày trong 3 tháng. Các công nhân cũng bị rút ngắn thời gian nghỉ ăn trưa và bắt buộc đến nhà máy làm việc sớm hơn giờ làm việc chính thức của họ. Những điều này vi phạm cả luật lao động tại Trung Quốc, nơi đặt các nhà máy, lẫn giới hạn làm việc theo tiêu chuẩn riêng của Apple.

Ngoài ra, theo SACOM các công nhân hiện vẫn chưa nhận được khoản tiền lương làm ngoài giờ cũng như họ sẽ buộc phải làm thêm giờ không công cho đến khi đạt được chỉ tiêu sản xuất nhất định.

Cũng theo các công nhân, điều kiện làm việc tại các nhà máy là rất nguy hiểm, với quá nhiều tiếng ồn, bụi và hóa chất có khả năng gây nguy hiểm, tuy nhiên các công nhân không được cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra. Các công nhân cũng thường xuyên bị giám sát, chửi mắng và thường xuyên bị cảnh báo giữ im lặng về tình trạng làm việc hoặc bị sa thải.

Mức lương cơ bản mà các công nhân tại các nhà máy này nhận được là từ khoảng 1.300 đến 1.400 Nhân Dân Tệ (khoảng 209 đến 225 USD), tuy nhiên đôi khi họ nhận được khoảng lương khoảng 2.000 (tương đương 321USD) do thường xuyên phải làm thêm giờ.

“Trong luật ứng xử của mình, Apple tuyên bố rằng yêu cầu các nhà sản xuất linh kiện và lắp ráp của mình cần phải duy trì các quyền con người cơ bản đối với người lao động theo luật phát quốc tế và đối xử với họ một cách tôn trọng. Tuy nhiên thực tế ngược lại, điều tra của chúng tôi có những bằng chứng cho thấy các nhà máy lắp ráp sản phẩm của Apple đang tăng cường quản lý theo kiểu quân sự với người lao động”, báo cáo của SACOM cho biết.

“Các sản phẩm của Apple luôn đòi hỏi một lượng hàng lớn để cung ứng cho thị trường, do vậy để đảm bảo các công nhân đáp ứng được mục tiêu sản xuất hàng ngày, các nhà cung cấp của Apple đã thực hiện các biện pháp vô nhân đạo, phủ nhận các nhu cầu cơ bản của con người như không cho phép nghỉ ngơi để tắm rửa, nghỉ ngơi đủ giờ hay cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ… để ép buộc các công nhân hoàn thành công việc của mình”, báo cáo của SACOM cho biết thêm.

Để phản đối Apple và các nhà cung ứng, khoảng 20 nhà hoạt động của SACOM đã tập trung trước cửa hàng Apple Store ở Hồng Kông để biểu tình và hô vang: “Apple đã làm được rất nhiều tiền trong năm ngoái, tuy nhiên các công nhân vẫn phải chịu đau khổ”.

Phản ứng trước báo cáo mới nhất do SACOM công bố, phát ngôn viên của Apple tại Trung Quốc cho biết:

“Chúng tôi nhấn mạnh rằng các nhà máy lắp ráp sản phẩm của chúng tôi có điều kiện làm việc an toàn, đối xử với công nhân một cách tôn trọng và sử dụng các quy trình sản xuất có trách nhiệm với môi trường. Điều này được áp dụng ở bất kỳ nhà máy lắp ráp nào của Apple”.

Phát ngôn viên này còn cho biết các đối tác sản xuất của Apple phải đáp ứng các yêu cầu này nếu muốn tiếp tục hợp tác với Apple.

Đây không phải là lần đầu tiên Apple chịu chỉ trích vì điều kiện làm việc của công nhân tại các nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc. Hồi đầu năm ngoái, một cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra tại nhiều quốc gia để phản đối Apple vì điều kiện làm việc nghèo nàn và vấn nạn tự sát của các công nhân tại nhà máy lắp ráp sản phẩm của hãng này.

Xem thêm: Bên trong Apple - công ty bí ẩn bậc nhất thế giới

Theo Dân Trí