Từ vụ cô gái bị bà bán trà đá đuổi khỏi vỉa hè bến Mỹ Đình: Sử dụng vỉa hè thế nào là đúng pháp luật?
Sau khi xuất hiện clip một cô gái bị người bàn trà đá vỉa hè ở bến xe Mỹ Đình đuổi đi vì 'đứng vào chỗ bán hàng', mọi thông tin liên quan luôn nhận được sự quan tâm từ cư dân mạng.
Suốt những ngày qua, đoạn clip ghi lại cảnh một cô gái trẻ bị người bán trà đá đuổi khỏi vỉa hè trước khu vực bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã gây xôn xao dư luận và khiến cộng đồng mạng bức xúc.


Theo nội dung clip được đăng tải, cô gái đứng chờ xe trên vỉa hè đường Phạm Hùng thì xảy ra tranh cãi với bà L.T.K. (51 tuổi, trú tại Hà Nội) - người đang buôn bán trà đá tại khu vực này. Người bán hàng liên tục yêu cầu cô gái rời đi, cho rằng nơi cô đứng là “chỗ tao bán hàng”, đồng thời khẳng định “không được đứng đây bắt xe”.
Sau đó, người bán hàng và cô gái đã lời qua tiếng lại với nhau. Tranh cãi leo thang khi hai bên có xô xát nhẹ, trong đó bà L.T.K. được cho là đã đá vào vali của cô gái đang để trên vỉa hè.
Ngay khi xem clip kể trên, nhiều ý kiến cho rằng hành vi của bà L.T.K. là không phù hợp, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm vỉa hè gây ảnh hưởng đến quyền sử dụng không gian công cộng của người dân
Trao đổi về sự việc, luật sư Phùng Huyền – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+ nhấn mạnh: Vỉa hè là tài sản công cộng, thuộc sự quản lý của Nhà nước và phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, bao gồm việc đi lại, đứng chờ, nghỉ ngơi của người đi bộ. Không cá nhân hay tổ chức nào có quyền chiếm dụng, biến vỉa hè thành sở hữu cá nhân để kinh doanh hay sử dụng vào mục đích riêng nếu không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Cũng theo luật sư Huyền, điều 77 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định rõ: Vỉa hè được ưu tiên sử dụng cho người đi bộ. Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời vào mục đích khác phải có phương án cụ thể và được cấp phép hợp lệ từ cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ khoản 7, Điều 12 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, hành vi sử dụng trái phép vỉa hè để kinh doanh dịch vụ ăn uống có thể bị xử phạt hành chính lên tới 3 triệu đồng.