Thế giới

Nga tuyên bố chấn động về thời điểm kết thúc xung đột ở Ukraine khi Mỹ tạm dừng viện trợ cho Ukraine

Sau khi Mỹ tạm ngừng một phần viện trợ quân sự cho Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nói về ‘thời điểm kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt’.

Vào ngày 3/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định, việc Mỹ tạm ngừng một phần viện trợ quân sự cho Ukraine có thể là dấu hiệu cho thấy xung đột giữa hai nước Nga và Ukraine đang tiến đến hồi kết.

Nga-tuyen-bo-chan-dong-ve-thoi-diem-ket-thuc-xung-dot-o-ukraine-khi-my-tam-dung-vien-tro-cho-ukraine

Theo ông Peskov, nguyên nhân chính dẫn đến động thái này của Washington là do “các kho vũ khí đang trống rỗng” và “tình trạng thiếu vũ khí nghiêm trọng”. “Càng ít tên lửa được gửi đến Ukraine từ nước ngoài, thì thời điểm kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt càng đến gần”, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh.

Điện Kremlin cho rằng Mỹ không thể sản xuất đủ tên lửa để tiếp tục cung cấp cho Kiev. Một phần nguồn lực quân sự của Mỹ có thể đã được chuyển hướng sang hỗ trợ Israel trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với Iran gia tăng.

Bình luận của ông Peskov được đưa ra sau khi Nhà Trắng xác nhận đã tạm dừng một phần viện trợ quân sự cho Ukraine. Nhiều hãng truyền thông dẫn nguồn tin cho biết, các loại vũ khí quan trọng như tên lửa Patriot, tên lửa Hellfire, rocket dẫn đường GMLRS và hàng nghìn quả đạn pháo cỡ 155mm nằm trong danh mục bị ngừng giao.

Nga-tuyen-bo-chan-dong-ve-thoi-diem-ket-thuc-xung-dot-o-ukraine-khi-my-tam-dung-vien-tro-cho-ukraine-2

Phía Mỹ lý giải quyết định này là nhằm “đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu”. Đại diện Washington tại NATO, ông Matthew Whitaker cho biết Mỹ cần đảm bảo có đủ nguồn lực trong kho để duy trì năng lực tác chiến của chính mình.

Lầu Năm Góc cũng phát tín hiệu cho thấy việc tạm dừng viện trợ không chỉ ảnh hưởng đến Ukraine, mà còn liên quan đến cuộc rà soát quy mô lớn về hoạt động hỗ trợ quân sự của Mỹ với nhiều nước trên thế giới.

Từ khi xung đột bùng nổ, Mỹ đã chi khoảng 67 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, trong đó có ít nhất ba tổ hợp phòng không Patriot hiện đại. Một số hệ thống tương tự cũng được các đồng minh của Mỹ chuyển giao cho Kiev.

Tuy nhiên, từ lâu chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ sự dè dặt với việc viện trợ Ukraine. Sau khi nhậm chức đầu năm nay, ông Trump không phê duyệt thêm gói hỗ trợ quân sự nào mới cho Kiev. 

Phát biểu trước báo giới sau đó, ông Trump nhấn mạnh Washington vẫn tiếp tục hỗ trợ Kiev, song ưu tiên hàng đầu là bảo đảm nguồn lực quốc phòng cho chính nước Mỹ. “Chúng tôi đang cung cấp vũ khí, nhưng chúng tôi cũng phải đảm bảo rằng mình không kiệt quệ”, ông Trump nhấn mạnh.