Khách sạn 5 sao bị tố có rào chắn giường kém chất lượng khiến em bé bị ngã, cha bị gãy tay
Sau sự cố đáng tiếc, cách xử lý của khách sạn khiến gia đình nạn nhân không khỏi tức giận và bức xúc.
Vào ngày 11/7, một khách sạn tại khu vực Tam Á (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) bị tố có rào chắn giường không đảm bảo chất lượng, khiến em bé bị ngã và người cha bị thương. Ngay khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã nhanh chóng phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành xác minh sự việc.

Theo thông báo từ Văn phòng quản lý khu vực liên quan, cơ quan này đã tổ chức buổi làm việc giữa du khách và khách sạn để thương lượng các vấn đề liên quan đến chi phí y tế, tiền bồi thường do mất thu nhập và chi phí tổn thất do thương tật.
“Chúng tôi bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến tình trạng của du khách và sẽ tiếp tục theo dõi quá trình hồi phục của họ, đồng thời đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của du khách được bảo vệ. Chúng tôi cũng đã yêu cầu khách sạn tăng cường công tác quản lý an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ”, đại diện cơ quan chức năng cho biết.
Trước đó, một nữ du khách tên Bào (tên đã được thay đổi) chia sẻ lên mạng xã hội rằng gia đình chị đặt phòng tại Khách sạn nghỉ dưỡng Crowne Plaza Yinheng Haitang Bay - một khách sạn 5 sao chuyên phục vụ khách gia đình tại Tam Á. Chị cho biết đã đặt phòng ưu đãi với giá sau giảm lên tới 3.250 tệ/đêm, song không ngờ rào chắn giường lại có vấn đề nghiêm trọng.
Theo chia sẻ của chị Bào, gia đình chị có chuyến du lịch kéo dài 12 ngày ở Tam Á, trong đó 8 ngày đầu ở khách sạn khác có giá rẻ hơn nhưng không gặp bất cứ vấn đề nào. Tuy nhiên, khi chuyển đến Crowne Plaza, dù khách sạn quảng bá là “thiên đường cho trẻ nhỏ” nhưng rào chắn giường lại không ổn định. Nhân viên lắp đặt rào cũng không hề thông báo rào có thể bị xê dịch hoặc yêu cầu gia đình chú ý an toàn.
Khoảng 3 giờ sáng, con trai 9 tháng tuổi của chị bất ngờ rơi từ giường xuống sàn qua khe hở rào chắn. Cha của bé tỉnh giấc vì tiếng khóc, trong lúc hoảng hốt tìm con đã vấp phải rào chắn đang lỏng lẻo và ngã xuống, dẫn tới gãy tay trái.
Sau sự cố, gia đình chị Bào đã liên hệ với nhân viên khách sạn. Tuy nhiên, chị cho biết thái độ của khách sạn rất thờ ơ. Quản lý trực ban chỉ mang rào chắn bị hỏng đi và lắp một chiếc khác, dùng dây buộc cố định, kê thêm ghế mà không có bất kỳ hỗ trợ y tế nào.


Khi gia đình chị Bào đề nghị nhân viên đi cùng đến bệnh viện thì không nhận được sự hỗ trợ, cũng không có ai ứng trước viện phí. Suốt quá trình, phía khách sạn không hề hỏi han tình trạng sức khỏe hay chủ động thương lượng phương án bồi thường.
Chị Bào cho biết đã báo cảnh sát và nhiều lần gọi đến đường dây nóng 12345 để khiếu nại. Chồng chị bị gãy xương khớp tay, cần phẫu thuật và có nguy cơ không thể duỗi thẳng tay như trước. Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc, khách sạn chỉ đồng ý chi trả một phần viện phí (50%), cùng tiền mất thu nhập và khoản hỗ trợ tổn thất thương tật.
Phóng viên Jiupai News đã liên hệ khách sạn vào chiều 11/7, đại diện khách sạn xác nhận đang làm việc với khách hàng và vụ việc đã được cảnh sát tiếp nhận. Tuy nhiên, quản lý trực tiếp xử lý vụ việc hiện chưa phản hồi yêu cầu phỏng vấn.
Theo tìm hiểu, Khách sạn nghỉ dưỡng Crowne Plaza Yinheng Haitang Bay từng bị du khách phản ánh nhiều lần về các sự cố trẻ em ngã do rào chắn giường. Trang mạng xã hội của khách sạn liên tục quảng bá đây là điểm đến hàng đầu cho gia đình có trẻ nhỏ, với nhiều tiện ích thân thiện trẻ em.
Luật sư Triệu Lương Thiện - đối tác cấp cao tại Công ty Luật Hằng Đạt Thiểm Tây cho biết, theo Điều 1198 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, các cơ sở kinh doanh như khách sạn có nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho khách hàng. Nếu không thực hiện đúng trách nhiệm này và gây thiệt hại cho người khác, đơn vị kinh doanh sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
“Dựa trên thông tin hiện có, khách sạn đã không đảm bảo an toàn trong lắp đặt rào chắn, dẫn đến em bé bị ngã và người cha bị thương. Như vậy, khách sạn có trách nhiệm chính trong vụ việc”, luật sư nhấn mạnh.
Cũng theo ông, căn cứ Điều 1179 Bộ luật Dân sự, các khoản bồi thường có thể bao gồm: Chi phí y tế, chi phí chăm sóc, đi lại, dinh dưỡng, hỗ trợ ăn uống khi nằm viện, thu nhập bị mất do không thể làm việc. Nếu người cha bị tổn thương vĩnh viễn, còn có thể yêu cầu chi phí phục hồi chức năng, thiết bị hỗ trợ, và khoản tiền bồi thường tổn thất do tàn tật. Ngoài ra, nếu có tổn thương tinh thần, nạn nhân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại tinh thần.
Luật sư Triệu khuyến nghị gia đình nên tiếp tục thương lượng với khách sạn, đồng thời lưu giữ đầy đủ bằng chứng như ảnh hiện trường, hồ sơ y tế, giấy chẩn đoán. Nếu đàm phán không thành, có thể gửi đơn đến Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc Cục quản lý thị trường để yêu cầu hòa giải. Trường hợp vẫn không giải quyết được, gia đình nên cân nhắc khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường theo đúng quy định pháp luật.
(Theo Red Star News/Jiupai News)