Đời sống

Sự thật clip ‘Diễm My bị bắt cóc’ trong vụ Tịnh Thất Bồng Lai, lật tẩy bộ mặt thật của ‘Thầy ông nội’ và các đệ tử

Sự thật clip ‘Diễm My bị bắt cóc’ trong vụ Tịnh Thất Bồng Lai, lật tẩy bộ mặt thật của ‘Thầy ông nội’ và các đệ tử

Đoạn clip có tiêu đề 'Cầu cứu gấp, Tịnh thất Bồng Lai sắp đổ máu, Diễm My bị bắt cóc mất tích tại đồn công an' đã được các bị can chỉnh sửa, biên tập trắng trợn.

“Tịnh Thất Bồng Lai” (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) là một trong những từ khóa được đông đảo cư dân mạng quan tâm nhất hiện nay. Nhìn lại diễn biến vụ án, từng có một thời đoạn clip “Diễm My bị bắt cóc” được lan truyền rầm rộ trên mạng xã hội khiến nhiều độc giả hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên theo cơ quan điều tra, một trong những đoạn clip đó là do các bị can cố tình gán ghép, biên tập lại để đăng lên YouTube.

Vào tháng 6/2022, Báo Người Lao Động đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã ra thông báo truy tìm Võ Thị Diễm My (23 tuổi; ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCM; chỗ ở khác là xã Hòa Khánh Tây).

Trước đó, người thân của Diễm My đã nộp đơn trình báo về việc cô mất tích tới Công an tỉnh Long An. Trong khoảng thời gian đó, gia đình của cô gái trẻ cũng tố cáo những người ở tại “Tịnh Thất Bồng Lai” đã có những hành vi lạm dụng, xâm hại đến con gái mình.

Vào thời điểm giữa năm 2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án xảy ra tại "Tịnh thất Bồng Lai" sang VKSND cùng cấp, đề nghị truy tố 6/7 bị can về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân".

Kết luận điều tra cho thấy, tài khoản YouTube có tên "Nhất Nguyên - Hoàn Nguyên Official" từng đăng tải clip có tên "Cầu cứu gấp, Tịnh thất Bồng Lai sắp đổ máu, Diễm My bị bắt cóc mất tích tại đồn công an" vào ngày 13/12/2019 chưa đựng thông tin xuyên tạc, xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa.

Người sử dụng điện thoại quay lại clip vào ngày 12/12/2019 chính là Lê Thanh Nhất Nguyên tại Công an huyện Đức Hòa. Sau đó 1 ngày sau, Nhất Nguyên đã đăng tải video lên tài khoản YouTube.

Trong quá trình điều tra, người này còn khai các bị can Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, Cao Thị Cúc, Lê Thanh Nhị Nguyên và 2 người ở "Tịnh thất Bồng Lai" tên Lê Thanh Nhất Tuệ, Lê Thanh Huyền Trân có tham gia sự việc này.

Theo Nhất Nguyên khai nhận, người này đã nói trong đoạn video như sau: “…Yêu cầu công an trả Diễm My ra đây, mấy anh bắt cóc Diễm My vậy rồi mấy anh đổ lỗi cho tôi…". Nói về nguyên nhân của hành động đăng tải video clip lên mạng, Nhất Nguyên khẳng định là nhằm cầu cứu cho Diễm My và cho cư dân mạng biết sự việc sau khi làm việc với Công an huyện Đức Hòa, và cô gái trẻ này "mất tích tại đồn công an".

Ngoài ra Lê Thanh Trùng Dương còn khai nhận, bị can Lê Thu Vân đã kêu trước đám đông tụ tập: "… Công an huyện Đức Hòa bắt cóc người bà con ơi! Bà con ơi! Công an huyện Đức Hòa bắt cóc con người ta không thả ra nè…". Đồng thời Dương thừa nhận hành vi của nhóm người trên là vi phạm pháp luật.

Khi cơ quan điều tra khai thác dữ liệu trong ổ cứng máy tính ở phòng của Lê Thanh Nhị Nguyên, đã xác định trong đó có 7 file clip và 3 file ghi âm thể hiện rõ nhóm người ở "Tịnh thất Bồng Lai – Thiền am bên bờ vũ trụ" có hành vi gây rối, xuyên tạc, xúc phạm Công an huyện Đức Hòa.

Vì vậy dựa trên các cơ sở trên, cơ quan chức năng đã xác định được các bị can này đã sử dụng các file clip và ghi âm để chỉnh sửa, biên tập thành clip hoàn chỉnh có tiêu đề "Cầu cứu gấp, Tịnh thất Bồng Lai sắp đổ máu, Diễm My bị bắt cóc mất tích tại đồn công an". Thậm chí 1 trong số 7 đoạn clip còn do các bị can dàn dựng, ghi hình thêm hoạt cảnh để chỉnh sửa với các đoạn âm thanh từ file ghi âm rồi biên tập lại để đăng lên YouTube.

Theo Báo Người Lao Động.