Từ thảm kịch lật tàu ở Quảng Ninh, cần làm gì để có thể sống sót khi gặp nạn giữa biển?
Tình huống tàu thuyền bị lật là một trong những tình huống nguy hiểm nhất. Nhưng theo bác sĩ, nếu bình tĩnh áp dụng đúng kỹ năng sinh tồn, cơ hội sống sót là vẫn có.
Chiều 19/7, tàu du lịch Vịnh Xanh 58 (BKS QN-7105) đang chở hàng chục du khách tham quan Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) bất ngờ bị lật do gặp dông lốc cực mạnh. Tính đến tối 20/7, ít nhất 35 người được xác nhận đã thiệt mạng, một số vẫn đang mất tích – khiến cả nước bàng hoàng và đau xót.
Giữa không khí tang thương, dư luận đặt ra câu hỏi: Khi du lịch biển, làm gì để bảo vệ sức khỏe và tính mạng trước các tình huống thời tiết bất ngờ? Làm sao để tăng cơ hội sống sót nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh tàu lật giữa biển khơi?

Trao đổi về vấn đề này với báo Dân trí, bác sĩ Phạm Hoàng Thiên – chuyên khoa Cấp cứu tại một bệnh viện ở TP.HCM cho biết, trong điều kiện biển động, du khách có thể đối mặt nhiều mối nguy hiểm như: Đuối nước, chấn thương, hạ thân nhiệt, bệnh lý hô hấp, thậm chí rối loạn tiêu hóa do stress hoặc thực phẩm dễ ôi thiu.
Vì vậy, ông khuyến cáo, khi đi biển, người dân cần đặc biệt chú ý những yếu tố an toàn:
- Luôn mặc áo phao đúng cách, không chỉ cho người lớn mà đặc biệt là trẻ em.
- Không để trẻ tự do chạy nhảy, trèo lên lan can hoặc lại gần mép tàu.
- Chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết, như thuốc say tàu, thuốc hạ sốt, thuốc dị ứng; bộ sơ cứu cá nhân; quần áo chống nước, đèn pin mini, còi cứu hộ (rất cần thiết với trẻ em).
- Trong trường hợp xảy ra sự cố lật tàu, áo phao là con dao hai lưỡi
Theo bác sĩ Thiên, khi tàu bất ngờ bị lật, áo phao có thể giúp người mặc nổi trên mặt nước, tiết kiệm sức, tránh va đập, đồng thời dễ được phát hiện nhờ dải phản quang, đèn cứu sinh. Tuy nhiên, áo phao cũng gây cồng kềnh, có thể mắc kẹt trong lối thoát hẹp, và cản trở việc lặn sâu, nhất là khi cần chui ra khỏi khoang kín.

4 bước thoát hiểm khi có áo phao:
- Giữ bình tĩnh, tìm túi khí (góc trần chưa bị ngập) để thở và quan sát lối thoát.
- Nếu cửa hẹp, có thể cởi tạm áo phao, ôm theo người để thoát, sau đó mặc lại. Nếu lối ra đủ rộng thì giữ nguyên áo phao, chuyển động nhẹ, tránh mắc kẹt
- Di chuyển nhẹ nhàng, dùng chân đạp, tay đẩy vào tường/cửa để di chuyển vì áo phao sẽ khiến người mặc không lặn được. Không cố lặn sâu nếu không tháo áo phao vì sẽ bị đẩy ngược lên trên.
- Mở cửa khi nước dâng đầy khoang (để giảm áp lực), nếu không được bằng tay, dùng vật cứng như bình chữa cháy, ghế… đập vỡ cửa kính hoặc bản lề.
Trong trường hợp không có áo phao thì nguyên tắc sống còn là bình tĩnh – tiết kiệm oxy – hành động có chiến lược.
Khi rơi vào tình huống lật tàu mà không có áo phao, việc giữ bình tĩnh là yếu tố tiên quyết. Hoảng loạn sẽ khiến bạn nhanh mất sức, thở gấp, uống nước và dễ tử vong hơn. Thay vào đó, nạn nhân cần tìm túi khí và nơi có không khí còn sót lại, thường nằm ở góc trần không gian kín. Sau đó, hãy ngẩng đầu lên và thở chậm.
4 bước sinh tồn khi không có áo phao:
- Đánh giá tình huống: Xác định mực nước, hướng dòng chảy, định vị lối thoát.
- Tìm điểm nổi tự nhiên như ghế nhựa, thùng xốp, can nhựa, chai nước kín để giữ cơ thể nổi.
- Di chuyển ra lối thoát. Chờ áp lực cân bằng nếu nước chưa ngập hoàn toàn, sau đó mới mở cửa. Nếu nước đã ngập, hãy hít sâu, lặn chậm rãi, tìm ánh sáng hoặc luồng nước để định hướng thoát ra.
- Tìm vật cứng để phá cửa nếu không thể mở bằng tay. Nếu không thấy lối thoát rõ ràng, ngừng di chuyển để tiết kiệm oxy, chờ người cứu hộ.
"Thoát khỏi thuyền bị lật hoặc không gian kín dưới nước khi không có áo phao là một trong những tình huống nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, nếu giữ bình tĩnh và áp dụng đúng kỹ năng sinh tồn, bạn vẫn có cơ hội thoát ra và sống sót", bác sĩ Phạm Hoàng Thiên chia sẻ.