Vụ bạn gái 20 tuổi bất chấp che giấu cho Bùi Đình Khánh và đồng bọn: Không đơn giản là sự 'dại khờ'
Theo đánh giá của chuyên gia, việc 2 người bạn gái che giấu cho Bùi Đình Khánh và đồng bọn không đơn giản là 'dại khờ'.
Vụ án ma túy tại Quảng Ninh khiến Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải hy sinh hôm 28/4 đến nay vẫn khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Vài ngày sau khi các đối tượng bị bắt giữ, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ thêm 8 đối tượng, nâng tổng số đối tượng bị bắt trong vụ án lên con số 13 người.
Đáng chú ý, trong đó có 2 cô gái là Nguyễn Thị Hoài Thương (20 tuổi, trú tỉnh Thái Nguyên, bạn gái đối tượng Bùi Đình Khánh) và Triệu Thị Hiền (20 tuổi, trú tỉnh Thái Nguyên, bạn gái đối tượng Hà Thương Hải) bị bắt về tội "Che giấu tội phạm".

Trao đổi với VietNamNet về vụ việc này, Luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng công lý cho biết: Theo Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015, người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Che giấu tội phạm".
Điều 389 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, tội che giấu tội phạm áp dụng đối với các hành vi che giấu người phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng như: Giết người, cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc các tội danh liên quan đến ma túy như sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy...
Luật sư Kiên chia sẻ thêm, khi bị khởi tố về tội sdanh "Che giấu tội phạm", Nguyễn Thị Hoài Thương có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Trong khi đó, nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được Thương phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội thì đối tượng này sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.

Theo góc nhìn của tâm lý học, chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức (Hà Nội) cho rằng: "Hành vi che giấu tội phạm của các cô gái trẻ tuổi trong vụ án ma tuý ở Quảng Ninh không đơn thuần là “vì yêu mà mù quáng”, mà là kết quả của một tổ hợp các yếu tố tâm lý - phát triển - xã hội – tội phạm tác động lẫn nhau".
Chuyên gia Việt Đức đánh giá, các cô gái sinh năm 2005 chỉ vừa qua ngưỡng trưởng thành. Cả hai đều đang trong quá trình hoàn thiện vùng kiểm soát lý trí, phán đoán hệ quả. Họ dễ đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc hơn là lý trí. Ở độ tuổi này, khả năng tự nhận thức, hiểu rõ về giá trị bản thân và ranh giới an toàn trong mối quan hệ của các cô gái còn yếu.
Khi rơi vào mối quan hệ với người đàn ông có khí chất mạnh, thậm chí là bạo lực hoặc lôi cuốn, các cô gái trẻ thường dễ bị chi phối cảm xúc, mất khả năng đánh giá rủi ro khi bảo vệ người mình yêu.
Trong tâm lý học có hiện tượng "tình yêu mù quáng", còn gọi là "Loyalty bias". Đây là xu hướng trung thành với người thân thiết bất chấp hậu quả, kể cả khi đối phương sai trái.
Vị chuyên gia chia sẻ: "Tóm lại, theo tôi việc các cô gái này che giấu hành vi tội phạm của bạn trai không thể đơn giản quy cho “dại khờ”. Xét về mặt tâm lý, các đối tượng đang hành xử trong giới hạn nhận thức cảm xúc của người chưa trưởng thành hoàn toàn.
Về mặt tội phạm học, họ là nạn nhân gián tiếp của sự lôi kéo, áp lực và thao túng từ phía bạn trai, chứ không phải đồng phạm chủ động ngay từ đầu. Về mặt xã hội, đây là hồi chuông cảnh báo về giáo dục giới tính, nhận thức pháp luật và kỹ năng thiết lập ranh giới cá nhân cho thanh thiếu niên".