Phương Tây ra 'tối hậu thư' ép Nga về xung đột Ukraine, Tổng thống Putin lập tức có lời đáp trả
Một số quốc gia phương Tây đã đưa ra lời cảnh báo đến Nga ngay dịp kỷ niệm 80 năm Chiến thắng. Mới đây, Tổng thống Putin đã đáp trả thẳng thắn vấn đề này.
Ngày 11/5, sau khi kết thúc các hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng, Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc trò chuyện với các phóng viên. Đề cập đến việc những ngày qua các quốc gia phương Tây cảnh báo Nga về vấn đề xung đột với Ukraine, ông Putin nói: "Một số quốc gia vẫn đang cố gắng nói chuyện với Nga bằng ngôn ngữ của tối hậu thư, ngay cả trong những ngày kỷ niệm 80 năm Chiến thắng".
Dù không thích giọng điệu của một số quốc gia châu Âu, nhưng Tổng thống Nga khẳng định vẫn có thể hòa giải với họ trong tương lai: "Sớm hay muộn, dựa trên những bài học lịch sử và quan điểm của chính người dân, chúng tôi sẽ bắt đầu tiến tới việc khôi phục quan hệ với các quốc gia châu Âu".
Bên cạnh đó, ông Putin cũng cho biết điều này có thể áp dụng với cả những quốc gia đang "cố gắng trao đổi một cách thiếu tôn trọng với Nga".

Trước đó, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Ba Lan đã có cuộc gặp mặt ở Kiev hôm 10/5 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Zelensky sau đó tuyên bố, các nhà lãnh đạo đã thống nhất về lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện phải bắt đầu vào thứ Hai (ngày 12/5), kéo dài ít nhất 30 ngày. Đồng thời, Tổng thống Ukraine khẳng định, nếu Nga từ chối, các lệnh trừng phạt mạnh hơn trong lĩnh vực ngân hàng, năng lượng sẽ được áp dụng.
Theo ông Zelensky, gói trừng phạt thứ 17 của EU đã trong quá trình chuẩn bị, phối hợp với các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, Na Uy, Anh.
Đáp trả chuyện này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm 10/5: "Chúng tôi biết mình sẽ phải làm gì sau khi các lệnh trừng phạt được công bố và cách chúng tôi sẽ giảm thiểu tác động của chúng".
Theo ông Peskov, Nga có kinh nghiệm trong việc đối phó với sức ép từ phương Tây. Vì vậy, việc họ dùng các lệnh trừng phạt để đe dọa Nga là vô nghĩa.

Ngày 9/5, Anh công bố gói trừng phạt nước này dành cho Nga là "lớn nhất từ trước đến nay", nhắm vào mạng lưới vận tải dầu mỏ để giáng đòn vào doanh thu từ năng lượng của Moscow. 100 tàu chở dầu của Nga bị Anh đưa vào "danh sách đen" và tuyên bố đó là một phần trong "hạm đội ngầm" của Moscow.
Hơn 2.000 lệnh trừng phạt đã được Anh áp đặt liên tiếp vào các cá nhân, tổ chức của Nga kể từ khi xung đột Ukraine leo thang. Tuy nhiên, với Moscow, điều này không ảnh hưởng đến kinh tế của họ, ngược lại sẽ khiến chi phí năng lượng và lạm phát tại châu Âu tăng lên.
Trong khi đó, Tổng thống Trump từng kêu gọi Nga và Ukraine "ngừng bắn vô điều kiện", nếu không sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt.
Hồi tháng 3, Tổng thống Nga xác nhận có 28.595 lệnh trừng phạt đã được áp đặt với các công ty, cá nhân của Nga những năm qua. Con số này nhiều hơn tổng số lệnh trừng phạt mà tất cả các quốc gia khác cộng lại. Ông Putin cho rằng phương Tây cố gắng tìm cách đánh bật Nga khỏi vị trí đối thủ cạnh tranh, nhưng nền kinh tế của họ ngày càng trở nên kiên cường hơn trước áp lực.