Thế giới

Căng: Tổng thống Trump lập tức lên tiếng khi nghe tin Ấn Độ tấn công Pakistan, chia sẻ gây chú ý

Ngay sau khi nhận được tin Ấn Độ tấn công Pakistan bằng tên lửa, Tổng thống Trump đã lên tiếng. Ông bày tỏ hy vọng xung đột sẽ sớm kết thúc.

Rạng sáng 7/5, chính quyền Pakistan đưa tin, Ấn Độ đã phóng tên lửa vào lãnh thổ nước này, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng. Đáp lại, Pakistan tuyên bố sẽ đáp trả. Sự kiện này đánh dấu căng thẳng giữa hai nước đang leo thang nghiêm trọng. Điều khiến thế giới lo ngại hơn là cả Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, Ấn Độ lại tuyên bố rằng cuộc tấn công của họ là “các cuộc không kích chính xác vào các trại khủng bố” nằm ở Kashmir do Pakistan kiểm soát. Đây cũng là câu trả lời sau cáo buộc Islamabad đứng sau vụ tấn công chết người ở Kashmir bên phía Ấn Độ quản lý.

an-do-pakistan-1
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

“Không có cơ sở quân sự nào của Pakistan bị nhắm đến. Ấn Độ đã thể hiện sự kiềm chế đáng kể trong việc lựa chọn mục tiêu và phương thức tấn công”, Ấn Độ tuyên bố.

Chia sẻ về sự kiện trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói tại Nhà Trắng: “Thật đáng tiếc, chúng tôi vừa mới nghe tin này”.

Chủ nhân Nhà Trắng nói thêm: “Tôi đoán là mọi người đã biết điều gì đó sẽ xảy ra, dựa trên quá khứ. Họ (Ấn Độ và Pakistan) đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ, và thực ra là nhiều thế kỷ, nếu bạn suy nghĩ kỹ”.

Bày tỏ mong muốn, ông Trump hy vọng xung đột sẽ sớm kết thúc.

an-do-pakistan-2
Một khu vực ở Kashmir bên phía Pakistan kiểm soát vào sáng 7.5.2025. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, chỉ vài giờ trước khi Ấn Độ tổ chức không kích, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra lời kêu gọi về việc hai bên kiềm chế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce chia sẻ: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Pakistan và Ấn Độ hướng tới một giải pháp có trách nhiệm nhằm duy trì hòa bình lâu dài và ổn định khu vực Nam Á”.

Tính đến nay, Ấn Độ và Pakistan đã 3 lần tiến hành chiến tranh toàn diện kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1947. Hai đất nước đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ vùng Kashmir. Tuy nhiên, cả hai hiện đều đang kiểm soát các phần khác nhau ở khu vực này.