Khám phá mới

Vị tướng huyền thoại ngành quân y: 'Phù thủy chữa bỏng’ của Việt Nam, người thực hiện ca ghép thận đầu tiên trong nước

Vị tướng huyền thoại ngành quân y: 'Phù thủy chữa bỏng’ của Việt Nam, người thực hiện ca ghép thận đầu tiên trong nước

Ngành quân y Việt Nam ghi nhận đóng góp to lớn của vị bác sĩ này. Ông chính là người đã thực hiện ca ghép thận đầu tiên tại nước ta. Đặc biệt, gia đình bác sĩ có 3 người cùng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nói đến nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam về y học điều trị bỏng, ghép tạng và y học thảm họa, Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học Lê Thế Trung (1928 – 2018) sẽ là người đầu tiên được nhắc đến. Ông sinh ra ở xã Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì (nay là phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Người đàn ông này xuất thân làm công nhân nhân ngành in, nhưng vì yêu nước mà gia nhập Vệ Quốc đoàn, sau đó theo học khóa 1 y tá Vệ Quốc đoàn, rồi học lớp y sĩ khóa 1 của Trường Quân y sĩ Việt Nam, Liên khu Việt Bắc.

Thời kháng chiến chống Pháp, bác sĩ Lê Thế Trung trực tiếp tham chiến ở nhiều chiến dịch lớn, trải qua nhiều cương vị khác nhau. Tai mặt trận Điện Biên Phủ, ông cùng đồng đội đã khắc phục tình cảnh thiếu thốn bằng cách dùng thanh tre, gáo dừa, mảnh bầu khô để cầm máu. Họ còn đun sôi nước, tự chế để làm dịch truyền, dùng đèn pin, đèn dầu làm đèn phẫu thuật.

bac-si-le-the-trung-1
GS-TSKH Lê Thế Trung lúc sinh thời. Ảnh tư liệu

Bấy giờ, biệt danh của bác sĩ Trung là “bậc thầy chữa bỏng”, “phù thủy chữ bỏng”. Ông đã thành công chữa trị nhiều vết thương chiến tranh vì bỏng cho quân dân ta.

Năm 1968, bác sĩ Lê Thế Trung vào chiến trường Khe Sanh nghiên cứu về ngoại khoa chiến tranh. Cũng trong thời gian này ông hoàn thành công trình “Nghiên cứu về tổn thương do sóng nổ, xử trí ngoại khoa và bỏng chấn thương, ghép da tự thân tại chiến trường”.

Năm 1972, bác sĩ Lê Thế Trung làm luận án tại Liên Xô về đề tài “Nhiễm khuẩn mủ xanh trong bỏng”. Khi ông trở về cũng là lúc đất nước đã hoàn toàn giải phóng, được cử về xây dựng Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) và Viện Quân y 103, đặc biệt là chuyên ngành bỏng ông am hiểu nhất.

Năm 1981, bác sĩ Lê Thế Trung được phong hàm Phó Giáo sư. 1 năm sau ông được lên làm Giáo sư. Năm 1986, vị bác sĩ này bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ khoa học ở Học viện Quân y Kyrov (Liên Bang Nga), được phong quân hàm Thiếu tướng trên cương vị Giám đốc Học viện Quân y năm 1988.

bac-si-le-the-trung-3
GS-TSKH Lê Thế Trung chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Không chỉ lĩnh vực trị bỏng, bác sĩ Lê Thế Trung còn là chuyên gia hàng đầu về ghép tạng ở Việt Nam. Ông khởi xướng việc ghép thận, khiến Học viện Quân y trở thành “cái nôi” ghép tạng của nước ta nhờ 3 kỹ thuật ghép: Thận, gan, tim. Trong cả 3 kỹ thuật đó, bác sĩ Trung đều là người chỉ huy điều hành hoặc trực tiếp tham gia.

Năm 1992, Việt Nam có ca ghép thận đầu tiên. Người thực hiện không ai khác chính là bác sĩ Lê Thế Trung. Cho đến nay, ông được ghi nhận là người tiên phong trong kỹ thuật ghép thận của Việt Nam.

bac-si-le-the-trung-2
Bác sĩ Lê Thế Trung cùng ê kíp sau khi thực hiện thành công một ca ghép tạng. Ảnh tư liệu

Năm 2004, bác sĩ Lê Thế Trung cùng các đồng nghiệp lại tổ chức ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân khi đó là cháu Nguyễn Thị Diệp (bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa do xơ gan, lá lách quá to, tính mạng bị đe dọa). Bé Diệp được bác sĩ Trung cùng con trai ông là Giáo sư Lê Trung Hải cùng thực hiện ghép gan. Sau 16 tiếng phẫu thuật, ca ghép gan thành công.

20 năm sau, bé Diệp được nhận về làm việc ở chính nơi đã từng cứu sống cô bé. Diệp gọi Giáo sư Lê Thế Trung là ông, hai bên xem nhau như người trong nhà. Những năm tháng cuối đời, giáo sư Trung vẫn nhận ra cô cháu gái đặc biệt này, gặng gượng trò chuyện với cô mỗi lần vào thăm nom.

Nối tiếp cha, con trai giáo sư Lê Thế Trung là Thiếu tướng, Giáo sư – Tiến sĩ Lê Trung Hải hiện cũng là một trong những chuyên gia đầu ngành về ghép tạng ở Việt Nam. Bác sĩ Lê Trung Hải là người có mặt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bức, sau này còn tham gia nhiều ca ghép tạng khác trong nước.

bac-si-le-the-trung-4
Đại gia đình GS-TSKH Lê Thế Trung đều công tác trong ngành y. GS-TS Lê Trung Hải đứng thứ hai (từ trái sang). Ảnh: Internet

Năm 2005, lần đầu tiên trong danh sách đồng tác giả đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước về khoa học công nghệ dành cho Cụm công trình ghép tạng có tên hai cha con: GS-TSKH Lê Thế Trung và con trai, GS-TS Lê Trung Hải.

Năm 2010, con trai út của giáo sư Lê Thế Trung là Đại tá, Thạc sĩ Lê Trung Thắng, Phó Trưởng phòng Khoa học Quân sự kiêm Trưởng ban Công nghệ Thông tin Học viện Quân y cũng vinh dự nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước về Khoa học công nghệ , với vai trò đồng tác giả Cụm công trình Kết hợp Quân dân y.

Có thể nói, gia đình bác sĩ Lê Thế Trung là trường hợp đặc biệt hiếm có ở Việt Nam khi cả ba cha con cùng nhận được giải thưởng cao quý kể trên.