Khám phá mới

Vị tướng mang trọng trách giữ an toàn cho thi hài Bác, là Tư lệnh đầu tiên của đơn vị Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vị tướng mang trọng trách giữ an toàn cho thi hài Bác, là Tư lệnh đầu tiên của đơn vị Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vị tướng này đã dành cả cuộc đời để bảo vệ an ninh đất nước. Sinh thời, ông từng có cơ hội nhiều lần bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi cách mạng còn non trẻ đến khi Người ra đi.

Có thể nhiều người chưa biết, vị Tư lệnh đầu tiên của đơn vị Bảo vệ  Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là người đã bảo vệ thi hài của Bác trong chiến tranh ác liệt. Ông được mệnh danh là “vị tướng cận vệ”, người có nhiều năm gắn bó bên Hồ Chủ tịch – Thiếu tướng Trần Kinh Chi.

Thiếu tướng Trần Kinh Chi (1927 – 2018) là nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Quân đội; nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Trưởng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; một vị tướng trưởng thành từ rất trẻ. Người giữ cương vị Tư lệnh, kiêm Trưởng ban Quản lý Lăng đầu tiên của đơn vị này.

thieu-tuong-tran-kinh-chi-3
Ảnh chụp Thiếu tướng Trần Kinh Chi năm 2014. Ảnh: Internet

Tướng Trần Kinh Chi sinh ra ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ phải trải qua nhiều khổ cực và sớm giác ngộ cách mạng. Năm 16 tuổi, chàng trai Trần Kinh Chi khi đó đã là một cán bộ lãnh đạo Việt Minh.

Năm 1945, đồng chí Trần Kinh Chi là cán bộ hoạt động chuyên nghiệp của tỉnh ủy Sơn Tây, hăng hái tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương. Đến năm 21 tuổi, người đàn ông này đã là Thường vụ Tỉnh ủy Sơn Tây, Hưng Yên và Hải Dương. Những năm tháng đó của tướng Trần Kinh Chi có thể gói gọn trong 1 câu: “Tuổi trẻ tài cao”. Đến mức báo Tiếng Xứ Đoài khi đó đã viết một bài về ông với dòng mô tả: “Một thanh niên anh hùng của tỉnh nhà”.

Sau chiến dịch biên giới, tướng Trần Kinh Chi tham gia đoàn công tác của Nha Công an Trung ương đến làm nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch. Trong suốt 30 năm sau đó, đồng chí gắn bó với công việc bảo vệ an ninh đất nước. Công việc cuối cùng của ông trước khi về hưu là giữ chức Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

thieu-tuong-tran-kinh-chi-2
Đại tá Trần Kinh Chi (ngoài cùng bên phải) giới thiệu ảnh với Bác Hồ tại Bảo tàng Mỹ thuật năm 1960. Ảnh tư liệu

Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh đất nước của Thiếu tướng Trần Kinh Chi, có lẽ quãng thời gian được bảo vệ Bác Hồ có ý nghĩa đặc biệt nhất với ông. Trong cuốn hồi ký của mình, Thiếu tướng Trần Kinh Chi đã kể lại ngày tháng đau buồn đó: “Ngày 2/9/1969, như nhiều đồng chí khác, tôi trải qua cú sốc mất đi người Cha kính yêu. Những kỷ niệm ấm áp bên Bác ùa về trong lòng tôi như dòng suối ấm vỗ về trái tim đang trải qua cơn xúc động mạnh. Ngày 2/9/1969 vĩnh viễn lưu dấu trong lòng tôi bởi sự ra đi của người Cha, người thầy cách mạng tôi trọn lòng thương mến”.

Trong những ngày Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, tướng Trần Kinh Chi là Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo và Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội. Ông ghì chặt nỗi mất mát của bản thân, nén đau thương lại trong lòng để phục vụ đồng bào, đồng chí, bạn bè quốc tế khi đến Ba Đình viếng Bác. Cũng chính ông là một trong những người mang trọng trách giữ an toàn cho thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi lễ truy điệu kết thúc, ông cùng đơn vị tổ chức đón Bác về Công trình 75A an toàn.

Thời điểm đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương vất vả tìm một nơi an toàn để giữ thi thể của Bác giữa thời kỳ chiến tranh khốc liệt. Thiếu tướng Trần Kinh Chi lập tức đề xuất chọn Khu căn cứ K9 (Ba Vì, Sơn Tây). Đây là nơi Bác Hồ đã chọn để làm việc, nghỉ ngơi từ năm 1957.

thieu-tuong-tran-kinh-chi-1
Thiếu tướng Trần Kinh Chi phục vụ Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh tư liệu

Kể từ ngày ấy, Thiếu tướng Trần Kinh Chi đã đưa ra nhiều phương án hay để giữ an toàn cho thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp công lớn trong những cuộc hành quân di chuyển thi hài Bác hay sơ tán thi hài Người khi có tình huống xấu xảy ra.

Tính từ năm 1969 đến năm 1975, Thiếu tướng Trần Kinh Chi đã có 6 lần chỉ đạo di chuyển thi hài Bác đến những nơi bí mật, hiểm trở nhưng vẫn giữ an toàn tuyệt đối. Cho đến ngày 29/8/1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành và đi vào hoạt động, tướng Chi cũng được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Đích thân Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ông làm Trưởng ban Ban phụ trách quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (nay là Ban Quản lý Lăng) trực thuộc Chính phủ.

thieu-tuong-tran-kinh-chi-4
Thiếu tướng Trần Kinh Chi là người gắn bó với Công trình Lăng và nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm tháng đầu tiên sau khi Người qua đời. Ảnh: Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng

Đến năm 1980, Thiếu tướng Trần Kinh Chi được cử sang đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1992. Dù vậy, ông vẫn luôn dành tình cảm sâu sắc cho công việc bảo vệ an toàn cho thi hài Bác Hồ. Thế nên vị tướng này thường xuyên đến truyền thụ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến cho thế hệ sau.