Khám phá mới

Thân thế của nữ cảnh vệ đầu tiên của Việt Nam: Từng được bảo vệ Bác Hồ, là vợ của 1 lãnh đạo cấp cao

Thân thế của nữ cảnh vệ đầu tiên của Việt Nam: Từng được bảo vệ Bác Hồ, là vợ của 1 lãnh đạo cấp cao

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận chính là nữ cảnh vệ đầu tiên của Việt Nam. Trong quá khứ, bà từng có vinh dự được bảo vệ Bác Hồ. Điều ấn tượng là trình độ học vấn của nữ Đại tá này cũng rất khủng.

Nữ cảnh vệ không còn quá xa lạ với chúng ta ở thời buổi hiện tại. Nhưng vài chục năm trước, đây là một công việc khiến nhiều người phải tò mò, chú ý. Nữ cảnh vệ đầu tiên của Việt Nam chính là Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận (1922 - 2018). Bà quê ở làng Yên Lãng (nay là phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Bà là ai, xuất thân thế nào, tại sao lại có cơ duyên đến với nhiệm vụ đặc biệt này?

ba-nguyen-thi-bich-thuan-2
Đại tá Thuận là nữ cảnh vệ đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh: Thanh Phong

Bà Thuận xuất thân trong một gia đình công nhân nghèo. Từ năm 22 tuổi người phụ nữ này đã bắt đầu tham gia Mặt trận Việt Minh và bắt đầu sự nghiệp cách mạng của mình. Năm 1947, bà Thuận chuyển sang công tác tại Văn phòng Xứ ủy Bắc Kỳ.

Hòa bình được lập lại, bà Nguyễn Thị Bích Thuận tiếp tục sự nghiệp học hành bằng cách thi vào Đại học Y dược. Chẳng những đỗ, bà còn tốt nghiệp vào năm 1961 với tấm bằng đỏ. Ra trường, bà Thuận được điều động về Cục Cảnh vệ, Bộ Công an, chuyên kiểm nghiệm thức ăn, nước uống cho Bác Hồ.

ba-nguyen-thi-bich-thuan-3
Nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh vệ - bà Nguyễn Thị Bích Thuận - Ảnh: báo điện tử Đảng Cộng sản 

Có một kỷ niệm vui giữa bà Thuận và Bác Hồ đã được đích thân bà kể lại với báo CAND: “Năm 1962, tôi được Bộ Công an cử đi học ngành An ninh ở Liên Xô. Trước khi lên đường, tôi đến chào Bác. Người rất vui và dặn: “Cô muốn học gì thì học, đừng cho Bác ăn chuối như chú Kháng vẫn cho Bác ăn”. Tôi không hiểu thế nào nên hỏi lại anh Kháng (đồng chí Hoàng Hữu Kháng là cận vệ của Bác, sau này là Cục trưởng Cục Cảnh vệ). Anh Kháng cười và kể lại: Anh em bảo vệ lúc đầu không dám mua chuối ở ngoài sợ bị đầu độc, nên cứ lấy chuối trong vườn tự tăng gia để Bác dùng. Chuối quả nhỏ, lại không biết giấm nên không ngon”.

ba-nguyen-thi-bich-thuan-1
Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận - Ảnh: Thanh Phong 

Là người có cơ hội tiếp xúc gần với Bác Hồ, bà Thuận không ít lần xúc động trước con người quá giản dị, đức độ của Bác. Bà kể, bữa cơm của Người rất đạm bạc. Người nhớ nhất là những món ăn quê hương như cà nghệ, mắm chua. Nhưng vì lo cho sức khỏe của Bác mà các đồng chí đành cản lại, khuyên Bác ăn uống đủ chất hơn.

Nếu ngược dòng thời gian về tháng 11/1946, bà Nguyễn Thị Bích Thuận còn là một nhân chứng lịch sử. Chính bà đã mã hóa bức điện lịch sử ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Đó là bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho đồng chí Lê Trung Toản, Bí thư Liên khu I.

ba-nguyen-thi-bich-thuan-6
Bà Nguyễn Thị Bích Thuận trong Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Lực lượng Cảnh vệ (16/2/2003). Ảnh tư liệu

Với hơn 60 năm hoạt động cách mạng, bà Nguyễn Thị Bích Thuận được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Có thể nhiều người chưa biết, bà Nguyễn Thị Bích Thuận còn là vợ của đồng chí Lê Văn Lương – một lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta. Cả hai gặp nhau khi bà Thuận được điều về công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng, tại An toàn khu Thái Nguyên vào năm 1947. Chính đồng chí Lê Đức Thọ đã giới thiệu họ với nhau. Không lâu sau hai người tổ chức đám cưới với đồng chí Tôn Đức Thắng làm chủ hôn, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Hoàng Quốc Việt và nhiều đồng chí khác đến dự.

ba-nguyen-thi-bich-thuan-4
Vợ chồng ông Lê Văn Lương và bà Nguyễn Thị Bích Thuận. Ảnh tư liệu
ba-nguyen-thi-bich-thuan-5
Gia đình bà Nguyễn Thị Bích Thuận thăm ao cá Bác Hồ. Ảnh tư liệu

Đặc biệt hơn cả, chính Bác Hồ cũng đã viết thư chúc mừng 2 vợ chồng họ với dòng chữ ngắn gọn mà tình cảm: “Chúc Lương – Thuận đoàn kết, chặt chẽ”, ký tên Hồ Chí Minh.