Khám phá mới

Chiến thắng đầu tiên của quân đội ta: Quân số ít ỏi, do Đại tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam chỉ huy

Chiến thắng đầu tiên của quân đội ta: Quân số ít ỏi, do Đại tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam chỉ huy

Không lâu sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) đã có chiến thắng đầu tiên. Đây là chiến thắng có ý nghĩa vô cùng quan trọng với quân và dân ta.

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân – Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ở khu rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Lễ thành lập hôm đó có 3 tiểu đội, với 34 chiến sĩ được chọn lọc từ chiến sĩ du kích Cao – Bắc – Lạng. Người được giao quyền chỉ huy chính là đồng chí Võ Nguyên Giáp.

quan-doi-nhan-dan-viet-nam-1
Quang cảnh ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh tư liệu

34 chiến sĩ đó gồm có 19 chiến sĩ dân tộc Tày, 8 chiến sĩ dân tộc Nùng, 1 chiến sĩ dân tộc Mông, 1 chiến sĩ dân tộc Dao và 5 chiến sĩ dân tộc Kinh. Với 34 người, họ chỉ có 34 khẩu súng các loại. Nhưng tinh thần chiến đấu, sự dũng cảm của đội quân này thì không thua kém bất cứ binh đoàn tinh nhuệ nào.

Sau khi thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị Đội xây dựng kế hoạch tổ chức một trận đánh nhằm cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, đồng thời còn để “khắc phục tình hình thiếu vũ khí trang bị”. Yêu cầu cho trận đánh đầu tiên đó là “phải đánh thắng”. Mục tiêu của trận này là đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Quân ta sau khi bàn bạc phương án kỹ lưỡng thì quyết định tập kích vào đồn trại của địch để chiếm đạn dược. Trận đánh diễn ra chỉ 3 ngày sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập.

quan-doi-nhan-dan-viet-nam-4
Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp đọc tuyên thệ tại lễ thành lập, ngày 22/12/1944. Ảnh tư liệu

Khai Phắt là một bản nhỏ ở xã Tam Lọng, tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Nơi đây có 3 con đường đi về Ngân Sơn, Nà Ngần và châu lỵ Nguyên Bình. Đặc biệt, nơi đây rất gần với nơi thành lập Đội. Chỉ cần đứng trên đỉnh Slam là có thể quan sát được tình hình của đồn.

Có 2 tiểu đội được cử đánh đồn, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy trực tiếp. Lực lượng du kích, cán bộ Việt Minh địa phương thì canhh gác các ngả đường vào bản. Lúc bấy giờ, quân ta cải trang thành lính dõng, có đủ giấy tờ đóng dấu đỏ.

quan-doi-nhan-dan-viet-nam-2
Đồn Phai Khắt (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh tư liệu

Sau khi trình giấy cho lính gác, 17 giờ 25/12/1944, Trung đội trưởng Thu Sơn đã dẫn 2 tiểu đội vào đồn Khai Khắt một cách dễ dàng. Từ đây, quân ta chia làm 2 mũi: Tiểu đội 1 chiếm nơi có súng, Tiểu đội 2 bao vây đồn. Địch bị đánh úp nên trở tay không kịp, phải đầu hàng. Kết quả, ta tiêu diệt 1 tên địch, bắt sống 17 tên, thu được 17 khẩu súng, một ít đạn và quân trang.

Đến 3 giờ ngày 26/12, quân ta hành quân đến đồn Nà Ngần. Đồn này nằm trên đồi cao, địa thế hiểm trở. Quân ta lại cải trang làm lính dõng, lính khố đỏ đang áp giải “cộng sản Mán” đến nộp cho quan đồn. Đến 7 giờ, đồng chí Thu Sơn cùng tổ xung phong đã dẫn quân vào đồn, nhanh chóng làm chủ đồn, tiêu diệt 5 tên địch, thu loạt chiến lợi phẩm. Trận này chỉ diễn ra rất nhanh, khoảng 20 phút sau quân ta đã rút khỏi đồn địch.

quan-doi-nhan-dan-viet-nam-3
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời, đánh dấu sự phát triển mới của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh tư liệu

Trong cả 2 trận đánh Nà Ngần và Khai Khắt, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đều sử dụng chiến thuật hóa trang tập kích. Nó vừa bí mật, vừa bất ngờ, lại vô cùng nhanh gọn, khiến địch trở tay không kịp.

Sau này, tháng 4/1945, Việt Nam Giải phóng quân được thành lập dựa trên cơ sở Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đổi thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946). Đến năm 1950 lại đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện nay, ngày 22/12/1944 được lấy là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp, người trực tiếp chỉ huy trận đánh đầu tiên của quân đội ta năm 1944 về sau cũng chính là Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là người anh cả của đội quân từ nhân dân mà ra, cũng là vị tướng duy nhất được phong một lần quân hàm Đại tướng.