Khám phá mới

Thân thế người Cục trưởng đầu tiên của lực lượng CSND: Vị tướng phá nhiều trọng án, từng bảo vệ Bác Hồ

Thân thế người Cục trưởng đầu tiên của lực lượng CSND: Vị tướng phá nhiều trọng án, từng bảo vệ Bác Hồ

Lực lượng Công an nhân dân có một vị tướng rất đặc biệt. Ông là Cục trưởng đầu tiên, người xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) từ ngày đầu.

Trong lực lượng Công an nhân dân, có lẽ ai cũng biết hoặc từng nghe qua về Thiếu tướng Lê Hữu Qua. Ông là một cán bộ Công an lão thành, nguyên Trưởng ban Trinh sát – Sở Công an Bắc Bộ năm 1945, Cục trưởng đầu tiên của lực lượng Cảnh sát nhân dân từ 1962 – 1967.

Tướng Lê Hữu Qua sinh năm 1914, tên khai sinh là Lê Phú Cường, quê ở phường Phúc Xá, Hà Nội. Từ nhỏ ông đã được ăn học đầy đủ, bộc lộ tố chất thông minh, sáng tạo. Năm 1942, Thiếu tướng Lê Hữu Qua khi đó còn là một thanh niên Hà Nội giàu nhiệt huyết đã tham gia phong trào Việt Minh.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Lê Hữu Qua được đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội cử vào Ban lãnh đạo Ty Liêm phóng Bắc Bộ. Cũng kể từ đó, cuộc đời ông gắn liền với sự nghiệp gìn giữ, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

luc-luong-canh-sat-nhan-dan-3
Đội Trinh sát Sở Công an Bắc Bộ trực tiếp điều tra khám phá tổ chức phản động Quốc dân Đảng tại số 7 phố Ôn Như Hầu, Hà Nội, ngày 12/7/1946. Ảnh tư liệu

Vụ án nổi tiếng ở phố Ôn Như Hầu là chiến công lịch sử của tướng Lê Hữu Qua. Trong vụ này, ông vừa là người chỉ đạo, vừa là người được giao ký lệnh khám xét trụ sở Quốc dân đảng ở số 7 Ôn Như Hầu, thu hồi tang chứng hành vi tội ác của chúng.

Năm 1947, đồng chí Lê Hữu Qua được cử làm Giám đốc Công an khu 11 (Công an Hà Nội ngày nay). Sau đó ông lại được giao làm Phó Ty Trật tự tư pháp khi nha Công an trung ương chuyển lên Việt Bắc.

Tháng 3/1954, đồng chí Lê Hữu Qua được cử tham gia công tác bảo vệ đoàn đại biểu do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, dự Hội nghị Geneva. Hội nghị này kết thúc tốt đẹp, ông lại được cử tham gia đoàn của Chính phủ để tuyên truyền về thắng lợi của Hội nghị Geneva tại Rome (Ý), Ai Cập, Ấn Độ, Miến Điện, Hồng Kông.

Khi tướng Lê Hữu Qua vừa về đến Thái Nguyên, ông nhận được cuộc gọi của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, nói ông về Hà Nội nhận lệnh đặc biệt. Lần này, đồng chí Lê Hữu Qua sẽ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng trong cuộc gặp viên Toàn quyền Sainteny ở Phủ Chủ tịch.

Cuộc đàm phán giữa Chính phủ ta với Thủ tướng Ấn Độ J. Nêru sau này là do đồng chí Lê Hữu Qua cùng đồng chí Hoàng Hữu Kháng bảo vệ thành công.

luc-luong-canh-sat-nhan-dan-2
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tháng 2/1961. Ảnh: Tư liệu

Năm 1956, tướng Lê Hữu Qua làm Phó Giám đốc Vụ Trị an Dân cảnh. Đến tháng 5/1962 ông được Chính phủ cử làm Cục trưởng Cục Cảnh sát Nhân dân với quân hàm Thượng tá cảnh sát và giữ chức vụ này cho đến năm 1967. Ông là Cục trưởng đầu tiên, người xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân từ ngày đầu.

Với cương vị là người đứng đầu lực lượng Cảnh sát nhân dân từ thời kỳ đất nước phải vừa xây dựng hậu phương lớn miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam, công việc của tướng Lê Hữu Qua cũng rất nhiều. Nhưng không vì vậy mà vị tướng này chùn bước. Ngược lại, ông đã làm rất tốt nhiệm vụ tham mưu, đưa ra nhiều giải pháp hữu ích để xây dựng lực lượng CSND.

luc-luong-canh-sat-nhan-dan-1
Lực lượng công an, dân phòng tuần tra, bảo vệ vùng giáp ranh Thành phố trong năm đầu giải phóng (1975). Ảnh tư liệu

18/4/1977, đồng chí Lê Hữu Qua được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định phong quân hàm Thiếu tướng. Xuyên suốt sự nghiệp, vị tướng Công an này luôn sống và làm việc theo lời Bác dạy, thẳng thắn nhưng cũng chứa chan tình người.

Theo CAND