Đời sống

Những căn bệnh khiến các vua Việt qua đời sớm dù được hàng ngàn thái y, thái giám chăm sóc

Những căn bệnh khiến các vua Việt qua đời sớm dù được hàng ngàn thái y, thái giám chăm sóc

Vua là người đứng đầu quốc gia nên sẽ luôn được hưởng những sự chăm sóc đặc biệt nhất. Tuy nhiên theo thống kê thì các đời vua Việt Nam lại chỉ có tuổi thọ trung bình là 44 tuổi. Không ít người tò mò căn bệnh nào có thể khiến hàng trăm hàng ngàn thái y trong cung phải "bó tay". 

Tượng vua Lê Long Đĩnh

Một trong những sự qua đời tai tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam thuộc về vua Lê Long Đĩnh. “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi chép lại rằng: “Mùa Đông, tháng 10, ngày Tân Hợi, vua băng ở tẩm điện, gọi là Ngọa Triều, vì vua mắc bệnh trĩ phải nằm mà coi chầu (dã sử chép: Vua say đắm tửu sắc phát ra bệnh trĩ)”. Mới 24 tuổi đã qua đời, cái chết của vua Lê Long Đĩnh gây ra nhiều tranh cãi. Trước hết, bệnh trĩ không phải là căn bệnh khó chữa đến mức khiến vua chỉ có thể chờ chết, thứ hai là chính sử khẳng định ông vẫn tự đem quân đi đánh châu Hoan Đường, Thạch Hà (vùng Nghệ An ngày nay), tức là sức khỏe rất tốt. Từ đó có 1 giả thuyết về việc triều Lý cố tình bôi nhọ vua của triều đại trước để hợp thức hóa lý do vua Lý lên ngôi. 

Tranh vẽ vua Lê Thái Tông

Một vị vua thời Lê nữa cũng có sự ra đi vô cùng bí ẩn vào năm 1442, đó là vua Lê Thái Tông. Sử sách có ghi lại như sau: “Ngày 27 tháng 7 (âm lịch), vua đi tuần về miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi mời hoàng đế ngự chùa Côn Sơn, ở quê hương của Nguyễn Trãi. Đến ngày 4 tháng 8 âm lịch (tức 7 tháng 9 dương lịch), Lê Thái Tông đi chơi ở vườn Vải, xã Đại Lại ven sông Thiên Đức. Tại đây hoàng đế thức suốt đêm với vợ Nguyễn Trãi là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ rồi qua đời. Các quan bí mật đưa thi hài về kinh sư rồi mới phát tang. Trong kinh, mọi người đều cho là Thị Lộ giết hoàng đế”. Sự ra đi của vị vua 19 tuổi khiến cả đất nước chấn động. Dân gian đồn đại rằng ngài bị “thượng mã phong”. Tuy nhiên cuối cùng thì cả gia đình khai quốc công thần Nguyễn Trãi "đứng mũi chịu sào" bị tru di tam tộc đầy oan khuất khi bị cho là lập mưu sát hại nhà vua. 

Tượng vua Trần Dụ Tông

Vua Lê Thánh Tông - vị vua vĩ đại trong lịch sử nước ta, có nhiều công lao to lớn trong việc xây dựng quốc gia giàu mạnh đã được sử thần Vũ Quỳnh chỉ trích “vua nhiều phi tần quá, nên mắc bệnh nặng” (Ý nói vua quan hệ với phi tần quá độ dẫn đến suy kiệt sức khỏe). “Trường Lạc hoàng hậu bị giam ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm giấu thuốc độc trong tay mà sờ vào chỗ lở, bệnh vua do vậy mới lại thêm nặng”, Vũ Quỳnh viết. Căn bệnh mà vị sử gia này đề cập đến là phong thũng, còn thực hư việc Trường Lạc hoàng hậu hạ độc vua thì không thể xác thực, bà cũng không bị xử tử sau cái chết của vua Lê Thánh Tông. Ngoài ra, có tin đồn vua bị giang mai vì trên người xuất hiện những vết lở loét giống hệt với triệu chứng của bệnh này.

Sang đến thời Trần, vua Trần Minh Tông trong chuyến tham quan đền Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn ở núi Huệ Vũ, Kiệt Đặc, Hải Dương đã bị con ong vàng đốt phải má bên trái, nhanh chóng phát bệnh rồi qua đời, hưởng thọ 57 tuổi. Hay vua Trần Dụ Tông hồi nhỏ đuối nước may mắn được cứu chữa, để lại di chứng liệt dương nhưng sau này vẫn được chữa khỏi. Năm 1369, vua mới 34 tuổi đã bệnh nặng qua đời, không con nối dõi, bệnh cụ thể không được ghi trong sử sách.