Đời sống

6 danh nhân Việt Nam được UNESCO vinh danh: Nguyễn Trãi là người đầu tiên; Chỉ có 1 người phụ nữ

6 danh nhân Việt Nam được UNESCO vinh danh: Nguyễn Trãi là người đầu tiên; Chỉ có 1 người phụ nữ

1. Nguyễn Trãi

Ông là người đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh (năm 1980). Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai, quê ở Hải Dương. Sinh ra trong gia đình thuộc dòng dõi võ quan với ông ngoại là Tư Đồ Trần Nguyên Đán - tôn thất nhà Trần, cha là danh sĩ Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh), không có gì lạ khi Nguyễn Trãi thấm nhuần tư tưởng yêu nước cũng như được học hành từ tấm bé. 

Với sự thông minh, khéo léo cùng tài năng quân sự kiệt xuất của mình, Nguyễn Trãi đã góp công lớn trong chiến thắng của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Ngoài vai trò nhà quan sự, chính trị ra thì ông còn là nhà văn vô cùng nổi bật trong lịch sử Việt Nam với tư tưởng hòa quyện, chắt lọc từ Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo (Nho giáo là chủ đạo). Ông có rất nhiều tác văn chương, cả bằng chữ Hán, chữ Nôm và phong phú về thể loại, bao gồm nhiều lĩnh vực như: văn học, lịch sử, địa lý, luật pháp, lễ nghi... Đặc biệt, Nguyễn Trãi được xem là người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm của Việt Nam. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông như Quân trung từ mệnh tập, Bình ngô đại cáo (chính luận), Quốc âm thi tập (thơ Nôm)...; Vĩnh lăng thần đạo bi (lịch sử); Dư địa chí (bộ sách về địa lý học cổ nhất còn lại của Việt Nam trong đó ghi chép lại những sản vật và con người nước ta thế kỷ XV);...

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thứ 2 của Việt Nam được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới (1990). Với những đóng góp quan trọng và to lớn trong cuộc chiến tranh giành lại độc lập cho nước nhà, người dân Việt Nam đời đời tôn vinh Người là vị anh hùng giải phóng dân tộc, biểu tượng toàn vẹn của một chiến sĩ cách mạng kiên trung, hết lòng tận tụy vì nước, vì dân. Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.

Không chỉ là chính khách Việt Nam nổi bật nhất trên truyền thông quốc tế mà bác còn là nhà văn hóa và giáo dục kiệt xuất. Người luôn coi trọng, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hoá lâu dài của mỗi dân tộc, mỗi gia đình, mỗi con người. Các tác phẩm của Người từ chính luận đến thi ca đều có sức ảnh hưởng to lớn đến tận bây giờ. Có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Bản án chế độ thực dân Pháp (1925); Nhật ký trong tù (1942); Tuyên ngôn độc lập (1945); Không có gì quý hơn độc lập tự do (1966);... 

3. Nguyễn Du

Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) có tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh tại Kinh thành Thăng Long (nay là thủ đô Hà Nội). Ông có cha là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm từng làm đến chức Tham Tụng (Tể tướng) dưới triều Lê. Sinh gia trong một gia đình có truyền thống khoa bảng nên năm 18 tuổi, tức là năm 1783, ông thi đỗ Tam trường. Nguyễn Du đảm nhiệm nhiều chức vụ quan văn trong triều đình như Đông Các đại học sĩ, Cần Chánh Đại học sĩ (từng được cử đi sứ Trung Quốc), Hữu Tam Tri Bộ Lễ...

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Du - Truyện Kiều - cũng được xem là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam. Truyện Kiều không chỉ là câu chuyện đặc sắc được viết bằng thơ mà còn ẩn chứa nhiều giá trị cuộc sống sâu sắc, phản ánh nhiều góc khuất trong thời phong kiến Việt Nam. Truyện Kiều giúp thơ ca Việt Nam tỏa sáng trên thi đàn quốc tế. Tính đến nay tác phẩm này đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hy Lạp, Mông Cổ, Ả Rập, Nga...) với trên 60 bản dịch khác nhau. Nguyễn Du chính là người đầu tiên đưa tiếng Việt và ngôn ngữ Việt trở thành ngôn ngữ văn học chính thống của nước ta.

4. Chu Văn An

Nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An (1292-1370) tên thật là Chu An, tự là Linh Triệt, quê ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông thi đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ) vào đời Trần Minh Tông (1314-1329). Tuy nhiên, vốn là người không ưa đấu đá, chẳng màng danh lợi nên ông quyết định không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học (trường Huỳnh Cung). Học trò của Chu Văn An có rất nhiều người đỗ đạt, làm quan lớn như Sư Mạnh, Lê Quát (quan lớn thời nhà Trần, đều từng đỗ Thái học sinh và làm đến chức Hành). Vua Trần Minh Tông sau này đã cho mời ông đến Thăng Long làm Tư nghiệp (tức Hiệu trưởng) của Quốc Tử Giám, dạy học cho các Hoàng tử. Một trong các môn đồ của Chu Văn An là hoàng tử Trần Hiến Tông, sau là vua Hiến Tông (trị vì từ 1329 - 1341).

Dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp dạy học, Chu Văn An luôn trung thành với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Sau này triết lý của ông đã trở thành tư tưởng lớn có giá trị vượt thời đại, tiệm cận với mục đích giáo dục trên thế giới ngày nay. Sử sách Việt Nam ca ngợi ông là nhà giáo của mọi nhà giáo, nhiều nơi lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn to lớn của ông, thậm chí tên của Chu Văn An cũng được đặt cho một ngôi trường trung học nổi tiếng và một con đường ở Hà Nội. 

5. Nguyễn Đình Chiểu - Hồ Xuân Hương

Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương được UNESCO thông qua qua danh sách cũng như công nhận là danh nhân văn hóa thế giới trong trong kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 (diễn ra từ ngày 9 – 24.11.2021 tại Paris, Pháp). Cả hai danh nhân này đều đáp ứng đầy đủ những tiêu chí phải phù hợp với lý tưởng và sứ mệnh của tổ chức UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa,... 

Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho giáo. Theo thầy đồ học tập từ khi mới 6,7 tuổi, Nguyễn Đình Chiểu dù thông minh, tài giỏi nhưng lại không có duyên khoa bảng khi đang đi thi thì mẹ mất nên ông lập tức bỏ thi để về quê chịu tang mẹ. Vì khóc quá nhiều nên giữa đường ông mắc bệnh nặng dẫn đến bị mù hai mắt. Tuy nhiên đây cũng là cơ duyên giúp ông học được nghề thuốc. Năm 1851, ông mở trường dạy học và làm thuốc ở Bình Vi (Gia Định). Ngoài dạy học, bốc thuốc cứu người, ông còn sáng tác nhiều tác phẩm thơ bằng chữ Nôm, trong đó nổi tiếng nhất là Tập thơ “Lục Vân Tiên”. 

Tranh vẽ Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) tính đến nay là người phụ nữ duy nhất góp mặt trong danh sách danh nhân văn hóa thế giới đến từ Việt Nam. Đúng với danh xưng “Bà chúa thơ Nôm”, thơ của Thơ Hồ Xuân Hương là là sự đột phá trong thời đại của bà khi được tạo nên bởi thứ ngôn ngữ bình dị nhưng cực kì sáng tạo, phá cách, hàm chứa nhiều ý nghĩa to lớn, đặc biệt là về bình đẳng giới, đấu tranh cho việc giải phóng phụ nữ ở Việt Nam. Một số tác phẩm tiêu biểu của bà có thể kể đến Bánh Trôi Nước, Đánh Cờ, Tự Tình, Vịnh Cái Quạt,...

 

Nhà quân sự đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới

Là nhà quân sự quân sự lỗi lạc, nhà chính trị thiên tài trong lịch sử, nhân vật này chính là nhân tài đất Việt đầu tiên được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới.